Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Tổng quan về cá đá Xiêm hay Plakat Thái

VNRD: Đây là một tài liệu nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ và chuyên sâu nhất mà tôi từng thấy về loài cá đá Xiêm hay còn gọi là Plakat Thái. Điều quan trọng hơn cả là nó được viết bởi một nhà lai tạo cá đá có học thức, người hơn ai hết hiểu rõ về mọi khía cạnh của hoạt động đá cá diễn ra trong cộng đồng đá cá ở Thái Lan. Thật không có gì đáng tin cậy hơn là khi người ta tự tìm hiểu về lịch sử loài cá của chính xứ sở mình.

Nuôi cá đá gần như là bài học vỡ lòng đối với tất cả những ai chơi cá cảnh. Dù ít dù nhiều thì ai cũng từng nuôi và chơi cá đá một lần trong đời, nhất là khi chúng ta còn là những cậu bé. Vì vậy mà sự quan tâm của cộng đồng nuôi cá cảnh đến loài cá xinh đẹp này là rất lớn. Sau đây là những kiến giải rất thú vị mà tôi rút ra được qua loạt bài viết về cá đá Xiêm:


1- Cá Xiêm là cá lai chứ không phải là loài Betta splendens “thuần chủng” như chúng ta vẫn thường nghe nói. Người ta cho rằng cá Xiêm chính là cá Betta splendens hoang dã được thuần dưỡng lâu đời để đem đi đá cho nên chúng biến đổi cả về hình dáng lẫn màu sắc so với những cá thể hoang dã. Nếu nói vậy thì chúng vẫn “thuần chủng” và có thể được gọi là dòng Betta splendens “thuần dưỡng”. Tuy nhiên, trong quá khứ, người nông dân Thái không hề có khái niệm gì về các loài Betta hoang dã khác nhau, họ chỉ biết có Betta hoang dã và Betta thuần dưỡng cho nên việc người ta lai cá Betta splendens với Betta imbellis hay Betta smaragdina trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của cá đá Xiêm là điều chắc chắn xảy ra. Nên nhớ là cả hai loài Betta splendens (mà ở ta gọi là lia thia mang đỏ) và Betta imbellis (mà ở ta gọi là lia thia mang xanh) đều hiện diện ở miền Trung và Nam Thái Lan và luôn có sự trao đổi cá đá giữa những vùng trên với nhau và cả với vùng Đông Bắc!

Như vậy, những con cá đá được gọi là Xiêm “chính” hay Xiêm “rặt” chẳng qua là những con cá đá thuần dưỡng có cha, mẹ, ông, bà… cũng là cá thuần dưỡng chớ về mặt khoa học chúng không hề là cá “thuần chủng”. Gọi là Xiêm “rặt” để phân biệt với Xiêm “lai” tức cá lai giữa cá thuần dưỡng với cá hoang dã. Mục đích của việc này là để tạo ra những con cá trông giống hệt với cá hoang dã nhưng lại đá dai sức như cá thuần dưỡng. Lai như vậy theo cụ Vương Hồng Sển là “lai biệt dạng” và tác giả người Thái đã chứng minh rằng cá lai 5 đời (12,5% thuần dưỡng và 87,5% hoang dã) trông giống hệt cá hoang dã! Cá Xiêm “lai biệt dạng” có nhiều lợi thế khi tham gia đá độ thể loại “đá cá hoang dã”. Thể loại này ngày nay vẫn còn tồn tại ở miền Đông Bắc Thái Lan. Nó cũng từng xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam nhưng ngày nay không rõ còn ai chơi thể loại này hay không. Ban đầu nó là trò lừa đảo tinh vi nhưng khi ai cũng biết việc này thì người ta không dại gì đem cá hoang đi đá nữa. Điều này dẫn đến hai hậu quả, hoặc thể loại này sẽ bị mai một (như đã xảy ra ở Việt Nam) hoặc người ta chấp nhận đá cá lai một cách công khai (như ở Thái Lan ngày nay).

2- Về những con cá đá mà tác giả gọi là “Fancy Betta” tức cá đá đặc sắc. Chúng là những con cá có vây lớn hơn so với những con cá Xiêm thông thường và được lai tạo từ một dòng cá Betta smaragdina đặc biệt gọi là ghi-ta. Những con ghi-ta sống trong môi trường có nước chảy nên vây của chúng phát triển lớn hơn so với những con cá Betta bình thường khác sống ở ruộng.

Nên nhớ rằng con cá Xiêm cảnh truyền thống của Thái Lan là cá đuôi dài hình e-lip thông thường. Những con cá Xiêm cảnh hiện đại đuôi rất đẹp như đuôi bán nguyệt (halfmoon), đuôi kép (doubletail) hay đuôi tưa (crowntail) đều được lai tạo bên ngoài Thái Lan. Như vậy “Fancy Betta” được coi như là một thành tựu mới của người Thái theo hướng phát triển cá Xiêm cảnh.

Gần đây, những con cá được gọi là Halfmoon Plakat tuyệt đẹp và được đa số mọi người ưa chuộng bao gồm hai loại. Loại thứ nhất được lai tạo và tuyển chọn kỹ lưỡng giữa Halfmoon và Plakat, đây mới đích thực là Halfmoon Plakat. Còn loại thứ hai chính là… “Fancy Betta” (ở ta hay gọi là Plakat) mà một số người chơi cá cảnh chuyên nghiệp không coi chúng là Halfmoon Plakat đích thực. Chúng có cái đuôi hình con át bích (chóp đuôi nhọn) được di truyền từ cá ghi-ta và số lượng tia đuôi chỉ có 2 trong khi ở con Halfmoon Plakat đích thực thì vây đuôi tròn hơn và tia đuôi thường là 4 hay nhiều hơn. Ở Halfmoon, số lượng tia đuôi càng nhiều càng tốt vì chúng hỗ trợ và làm cho đuôi được vững chắc, giảm thiểu nguy cơ cá không thể giương đuôi lên được khi nó trưởng thành. Tuy nhiên ở cá có nguồn gốc hoang dã, điều này không bao giờ là một vấn đề cần phải quan tâm. Cách phân biệt như vậy chỉ áp dụng cho các cuộc triển lãm cá và lai tạo chớ giá cả thực tế thì có khi con "Fancy Betta" còn mắc hơn.
 3- Về cách cáp cá, cách quan sát từ phía trên ở Việt Nam có vẻ còn thiếu sót khi bỏ qua yếu tố độ rộng của thân và gốc đuôi mà chúng cũng đóng vai trò quyết định trong việc thắng hay bại. Tác giả thấy nhiều trận đấu mà hai con tuy dài và dày như nhau nhưng qua con mắt của ông thì một trong hai con đã “lớn hơn” con kia rồi, và vì vậy nó thắng dễ dàng. Người ta thường bao lọ bằng giấy lấy lý do để khỏi làm cá sợ. Lý do này có vẻ không chính đáng vì người Thái vẫn quan sát cá từ mặt bên mà không hề có vấn đề gì. Mặt khác, theo mô tả của cụ Vương Hồng Sển trong bài “Thú chơi cá thia thia” thì hồi đầu thế kỷ người ta cáp cá bằng cách quan sát cả từ phía trên lẫn từ mặt bên. Quan sát từ phía trên thì phải để ý độ sâu của lọ nuôi vì cá nằm sâu dưới đáy trông có vẻ nhỏ đi. Quan sát từ mặt bên thì coi chừng loại lọ thủy tinh làm cá nhỏ đi khi nhìn từ bên ngoài vào. Những vấn đề này sẽ không xảy ra nếu như cộng đồng đá cá quy định loại lọ tiêu chuẩn dùng để nuôi cá đá. Ở Thái Lan họ sử dụng loại lọ sản xuất riêng để nuôi cá đá còn ở Việt Nam thì tôi không rõ lắm, có lẽ còn tùy vào loại lọ sẵn có ở mỗi địa phương.


Bài viết cùng thể loại:


Cá thuần dưỡng có phải là Betta splendens?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét