Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Cá thuần dưỡng có phải là Betta splendens?

Cá thuần dưỡng là cá đá đuôi ngắn, cá đá đuôi dài và toàn bộ betta cảnh hiện đại. Chúng có nguồn gốc từ cá betta hoang dã và được một số người gọi là Betta splendens. Vấn đề là bên cạnh Betta splendens còn có nhiều loài tương tự khác như Betta imbellisBetta smaragdina, chúng làm thành một nhóm gọi là nhóm splendens và điều gì có thể đảm bảo rằng người ta không lai tạp các loài với nhau trong suốt quá trình phát triển của cá betta thuần dưỡng. Hy vọng rằng bài phân tích dưới đây sẽ làm sáng tỏ vấn đề trên.

Lịch sử phát hiện về cá betta
Vào năm 1840, bác sĩ Theodor Cantor, thuộc cơ quan y tế Bengal, viếng thăm Thái Lan và được vua Thái Lan tặng rất nhiều cá đá. Năm 1849, vị bác sĩ đăng một bài viết về loài cá xinh đẹp mà mình rất hâm mộ này và gọi chúng là Macropodus pugnax. Hơn nửa thế kỷ sau, vào năm 1909, nhà ngư loại học Tate Regan phát hiện ra rằng Cantor đã nhầm lẫn bởi vì loài pugnax vốn được định nghĩa là loài cá ở đảo Penang, Malaysia với loài này là hai loài khác nhau. Regan bèn đặt cho loài cá đá của Cantor một cái tên mới mà ngày nay nó trở nên rất quen thuộc Betta splendens. “Betta” là từ viết tắt tên gọi địa phương của loài cá này “ikan bettah” nghĩa là “chiến binh”, có lẽ vào thời đó nó phổ biến hơn tên gọi thông dụng vào ngày nay là “plakat”. Còn “splendens” theo tiếng Latin nghĩa là “rực rỡ”.

Tới đây tôi xin có một lưu ý nhỏ, những cá thể mà bác sĩ Cantor nhận từ vua Thái Lan có nhiều khả năng là cá thuần dưỡng tức cá đá Xiêm trong khi loài cá mà Regan đề cập là cá hoang dã. Công trình nghiên cứu của ông mang tựa đề Họ cá rô châu Á (The Asiatic fishes of the family Anabantidae. Proc. Zool. Soc. Lond. 767-787) xuất bản năm 1910 ghi rõ địa bàn thu thập mẫu vật ở lưu vực sông Mae Nam (hay Chao Phraya), Thái Lan. Như vậy, Betta splendens vốn là tên dùng để gọi loài cá betta hoang dã.

Những con cá betta cảnh đuôi dài đầu tiên được nhập vào nước Mỹ từ năm 1927. Sự kiện này được ghi nhận bởi Frank Locke ở San Francisco và tiến sĩ Hugh Smith ở Bảo tàng Tự nhiên Hoa Kỳ. Những con cá cảnh đuôi dài đầu tiên có thân màu thịt và vây đỏ tươi, vì thế Frank Locke cho rằng đấy là một loài mới và đặt tên cho chúng là Betta cambodia (vì người ta cho rằng chúng có xuất xứ từ... Campuchia, có lẽ đó là một sự nhầm lẫn!). Sau đó khi mà đủ loại màu ở sắc ở cá betta xuất hiện trên thị trường thì người ta cũng đặt cho chúng rất nhiều tên khoa học khác như Betta rubra (đỏ), Betta viridens (xanh lục), Betta cyana (xanh dương)… Tuy những con cá đầu tiên du nhập vào nước Mỹ là cá thuần dưỡng nhưng trong bài tìm hiểu về các tài liệu xưa liên quan cá betta, tiến sĩ Gene Lucas nhấn mạnh rằng trước đó (năm 1927), người ta đã biết đến loài cá Betta splendens hoang dã có lẽ là qua công trình của Regan.

Vậy đâu là thời điểm mà người ta xác lập mối liên hệ giữa cá betta thuần dưỡng với betta hoang dã (tức Betta splendens). Cũng theo tiến sĩ Lucas, trong một bài viết trên tờ Aquatic Life, số tháng 2 năm 1929, tiến sĩ George Mayers, một nhà ngư loại học nổi tiếng vào thời đó, đã chỉ ra rằng tất cả cá betta trên thị trường chỉ là các biến thể của loài Betta splendens mà thôi. Các tên khoa học được đặt cho chúng trước đó đều không chính xác và không còn được áp dụng cho cá thuần dưỡng nữa, chỉ duy nhất từ “cambodian” vẫn còn được sử dụng ngày nay để gọi dòng cá betta với thân màu thịt và vây đỏ.

Tới đây xin lưu ý rằng Betta splendens là loài cá hoang dã duy nhất thuộc nhóm splendens (splendens complex) được biết đến vào thời điểm đó tại Thái Lan cho nên việc tiến sĩ Mayers đồng nhất cá betta thuần dưỡng với Betta splendens là điều hiển nhiên. Và thực tế này được duy trì trong một thời gian dài gần nửa thế kỷ.

 Hình vẽ của một họa sĩ người Thái cách đây 60 năm (khoảng 1940 - 1950) mô tả một con cá betta thuần dưỡng đuôi dài kèm theo tên khoa học Betta splendens! Đây là loài cá hoang dã duy nhất thuộc nhóm splendens (splendens complex) được biết đến vào thời đó vì thế việc đồng nhất nó với cá thuần dưỡng là điều hiển nhiên - nguồn http://plakatthai.com.

Tuy nhiên, khoa học không dậm chân tại chỗ, nhiều loài tương tự với Betta splendens lần lượt được phát hiện, chúng làm thành một nhóm gọi là nhóm splendens. Năm 1972, nhà ngư loại học Ladiges phát hiện loài Betta smaragdina; loài này phân bố ở vùng đông bắc Thái Lan và Lào. Sau đó vào năm 1975, ông phát hiện thêm loài Betta imbellis; loài này phân bố ở Malaysia, miền nam Thái Lan và đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Loài mới nhất Betta stiktos được phát hiện ở Campuchia vào năm 2005 bởi các nhà khoa học Singapore Tan và Ng. Ngoài ra còn có một loài chưa được mô tả là Betta sp. Mahachai ở vùng ngoại ô Bangkok.

Sự xuất hiện của những loài betta mới tương tự với Betta splendens ở Thái Lan làm dấy lên câu hỏi về nguồn gốc của cá betta thuần dưỡng. Theo tác giả Thái Lan Precha, cá betta được người Thái thuần dưỡng từ triều đại Sukothai, cách đây khoảng 600 năm. Điều gì đảm bảo rằng trong suốt quá trình phát triển lâu dài đó người ta không lai tạp các loài betta hoang dã với nhau?
Cá lia thia mang đỏ (Betta splendens) mua ở tiệm bán cá mồi tại Sài Gòn và cá lia thia mang xanh (Betta imbellis) bắt ở Rạch Gòi, Hậu Giang. Đây là hai trong số các loài cá hoang dã thuộc nhóm splendens. Trước khi Ladiges phát hiện ra cá mang xanh, chúng được coi như là một biến thể của Betta splendens.
 Nguồn gốc cá betta thuần dưỡng
Trong công trình nghiên cứu về cá đá Xiêm, tác giả người Thái Precha cho rằng trong quá khứ nông dân Thái đã tuyển chọn cá betta hoang dã dựa trên kỹ năng chiến đấu và độ bền. Quá trình tuyển chọn khắt khe qua nhiều thế hệ giúp hình thành dòng cá betta thuần dưỡng với màu sắc và hình dáng hoàn toàn khác biệt so với tổ tiên hoang dã của chúng. Xét trên địa bàn phân bố tự nhiên của mỗi loài betta hoang dã thì:

- Vùng trung tâm Thái Lan và xung quanh Bangkok, nông dân thuần dưỡng loài Betta splendens.

- Vùng miền nam Thái Lan, nông dân thuần dưỡng loài Betta imbellis.

- Vùng đông bắc Thái Lan, nông dân thuần dưỡng loài Betta smaragdina.

Quá trình giao lưu và trao đổi lẫn nhau giữa những dòng cá đá ở các vùng miền là điều chắc chắn phải xảy ra trong suốt lịch sử nhiều trăm năm thuần dưỡng cá betta. Precha chứng minh cho lập luận này thông qua các hoạt động đá cá ở vùng tây bắc Thái Lan ngày nay. Nông dân ở đó vẫn đá cá Betta smaragdina bán hoang dã nhưng một số người bí mật lai chúng với cá đá thuần dưỡng (từ vùng trung tâm) để cải thiện độ bền và tăng khả năng giành thắng lợi. Học giả Vương Hồng Sển cũng mô tả về các hoạt động đá cá ở Nam bộ vào đầu thế kỷ 20 qua đó người ta “lai biệt dạng” cá lia thia ruộng với cá Xiêm với mục đích tương tự. Năm ngoái, tôi về Sóc Trăng bắt cá thì thấy lia thia đồng ở đó chính là loài lia thia mang xanh Betta imbellis.

Như vậy, dù thời điểm ban đầu nông dân Thái có thể thuần dưỡng cá đá từ những loài hoang dã thuần chủng khác biệt nhưng hoạt động đá cá truyền thống đã thúc đẩy việc lai tạp cá thuần dưỡng giữa các vùng, miền với nhau. Kết quả, cá thuần dưỡng ngày nay có bộ gen pha trộn và lai tạp.

Gen hoang dã "imbellis"
Vào năm 2003, cá màu đồng xuất hiện và phát triển trên khắp thế giới như một cơn bão. Cá màu đồng là cá lai giữa betta thuần dưỡng với betta hoang dã như Betta imbellisBetta sp. Mahachai. Ngay lập tức người ta lai cá màu đồng với những dòng betta cảnh khác để màu đồng xuất hiện ở tất cả các dạng vây và màu kết hợp khác nhau. Người ta cũng phát triển cá màu đồng thành những dòng mới như metallic và mask.

Đây là bằng chứng cho thấy người ta lai gen hoang dã "imbellis" vào dòng betta thần dưỡng. Thực ra, việc lai cá thuần dưỡng với cá Betta imbellis để tạo dòng cá có nhiều màu ánh kim đã được thực hiện từ rất lâu trước đó. Tác phẩm kinh điển All about Bettas (Mọi điều về cá betta) của Walt Maurus xuất bản năm 1981 có đăng hình một con cá đuôi dài lai với Betta imbellis! Như vậy, cho dù betta thuần dưỡng có là Betta splendens hay không đi nữa thì việc lai chúng với cá màu đồng vốn chứa gen "imbellis" cũng khiến cho cá betta thuần dưỡng ngày nay chắc chắn là cá lai tạp.
Cá halfmoon màu đồng với gen "imbellis" - nguồn www.bettysplendens.com.
Cá đuôi dài lai với Betta imbellis - hình trích trong sách của Walt Maurus (Joep Van Esch sưu tầm).
Kết luận
Sự xuất hiện của những loài betta mới bên cạnh Betta splendens, công trình nghiên cứu về cá đá Xiêm và việc phát triển dòng cá màu đồng cho thấy rằng nguồn gốc của cá betta thuần dưỡng là cá lai tạp giữa nhiều loài betta hoang dã với nhau.

Có thể hiểu việc các nhà lai tạo betta ngày nay tiếp tục sử dụng tên Betta splendens để gọi cá betta thuần dưỡng chẳng qua là một thói quen mà thôi. Chính tiến sĩ Gene Lucas cũng thừa nhận rằng "thói quen cũ khó bỏ" bởi vì mãi đến năm 1961 mà vẫn còn có người gọi chúng là "Betta pugnax". Tóm lại, tất cả các thể loại cá đá Xiêm đuôi ngắn, đuôi dài và betta cảnh hiện đại chỉ có thể được gọi một cách chính xác là "cá betta thuần dưỡng".


Bài viết cùng thể loại:


Cá thuần dưỡng có phải là Betta splendens?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét