Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Câu chuyện về Plakat Thái


Khi bắt đầu viết bài này, tôi có ý định tự viết mọi thứ dựa trên kiến thức cá nhân, tức là những gì tôi từng làm, từng đọc và từ ký ức về những cuộc thảo luận với những nhà lai tạo nhiều kinh nghiệm khác. Trong khi thu thập dữ liệu, tôi phát hiện ra rằng có rất nhiều hội hâm mộ cá Betta trên mạng. Tôi cũng phát hiện rằng một số người không chấp nhận trò đá cá và coi đó như là việc đối xử tàn ác đối với thú vật. Điều này làm tôi ngã bệnh trong nhiều tuần lễ. Thực tế, tôi hầu như bỏ cuộc và muốn xóa hết mọi dữ liệu khỏi trang web của mình. Tuy nhiên, đây lại là chủ đề mà tôi luôn luôn nghĩ đến. Rồi tôi nhớ đến các câu chuyện bị thất truyền về loài mèo và chó săn Thái Lan. Chúng là một phần thuộc di sản văn hóa Thái Lan, chúng được biết đến nhiều qua truyền thuyết, người ta nuôi chúng rộng rãi nhưng lại biết rất ít về nguồn gốc của chúng. Bạn có tự hỏi vì sao tôi lại quan tâm đến nguồn gốc của chúng khi mà tôi có thể mua chúng ở bất cứ nơi đâu? Nếu bạn hỏi câu tương tự với người gác vườn rằng “Tại sao ông/bà lại quan tâm đến tất cả cây cối ở đây?” thì người ta có thể trả lời một cách khiêm tốn rằng đó chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. Họ yêu thích công việc chăm sóc cây cối và cũng hạnh phúc khi thấy khách khứa yêu thích khu vườn, thành quả công việc của họ. Vì vậy mà tôi tiếp tục công việc này. Lý do đầu tiên đó là vì tôi thấy có trách nhiệm truyền bá những kiến thức mà tôi học hỏi được từ những nhà lai tạo cá đá Thái và kể câu chuyện thực sự về loài cá thú vị này. Lý do thứ hai đó là có rất nhiều sự hiểu lầm về cá đá Xiêm trên mạng và báo chí, đặc biệt là cụm từ “CHÚNG ĐÁ CHO ĐẾN CHẾT”. Nó làm tôi đau đớn. Tôi tin rằng người phát biểu câu này nói một cách trung thực theo cách hiểu của họ. Tuy nhiên, theo những gì mà tôi biết về cá đá:
Betta splendens hoang dã.
- Tôi chưa bao giờ thấy cá Betta bị chết ngay trong trường đấu. Cá thường bị chết sau cuộc đấu bởi vì người nuôi không chăm sóc các vết thương đúng cách.

- Không phải con cá nào cũng đá đến cùng, một cuộc đấu thường diễn ra từ 2-3 giờ sau đó thì một trong hai con sẽ bỏ chạy. Đá cá giống như đấm box, một con chiến thắng còn con kia bị thua. Đôi khi cả hai con đá cho đến khi kiệt sức và cuộc đấu coi như hòa, không có con nào bị chết cả. Cá đem đi thi đấu đã được lựa chọn cẩn thận và luôn là loại đuôi ngắn. Đồng thời không nhà lai tạo đáng kính nào lại để con cá chưa được huấn luyện đi đá. Cá đuôi dài không phải là cá đá thực sự vì chúng không thể đá lâu quá nửa tiếng (vậy mà ở phương Tây, hầu hết mọi người lại gọi loại cá này là “cá đá”), chúng chỉ biết đá vào vây và đuôi, thậm chí có con còn không biết cắn đối thủ. Tôi từng thấy cá cái đuôi dài cắn cá đực làm nó phải bỏ chạy. Vì vậy, trò đá cá tương tự như thi đấu ở con người, chỉ có những đấu sĩ đã qua huấn luyện được tham gia mà thôi. Đá cá là quá trình tuyển chọn những cá thể tốt nhất, chỉ có con cá thắng trận được đem lai tạo với con cá cái cũng ở bầy cá thắng trận khác. Kết quả cho ra đời lứa cá con rất dẻo dai, chúng có khả năng chịu đựng được nhiệt độ từ 25 đến 38 độ C.

Lý do thứ ba, đó là phá bỏ quan niệm sai lầm rằng mọi con cá Betta đều là cá đá giỏi. Điều này rất quan trọng, nó thu hút tất cả mối quan tâm của tôi khi xây dựng trang web này.

Nguồn gốc của Betta splendens đuôi dài
Mục đích của phần này là đề cập về nguồn gốc của loài Betta splendens đuôi dài. Tôi đã cố gắng đặt ra hàng loạt giả thuyết mà tự chúng cũng làm phát sinh rất nhiều vấn đề khác nữa. Vậy điều gì làm cho loài Betta splendens khác biệt với những loài cá khác?

Thứ nhất, loài Betta splendens là sản phẩm của ngành cá cảnh Thái Lan thông qua sự lai tạo tự nhiên mà không hề có sự can thiệp của công nghệ gen hiện đại. Thứ hai, Betta splendens phát triển dựa trên quá trình tương tác có tính xã hội; nó là thành quả của việc trao đổi kiến thức truyền thống ở tầng lớp nông dân Thái Lan. Người ta tin rằng cá đá xuất hiện cách đây 600 năm vào thời hoàng đế Sukhothai, vị vua đầu tiên của Thái Lan. Những nhà lai tạo xưa kia, thường là những nông dân, học hỏi thông qua sự quan sát rồi sau đó thử nghiệm bằng cách đem cá đi đá. Họ hình thành một nhóm gọi là nhóm những nhà lai tạo và đá cá. Họ thường truyền đạt kiến thức về cá đá thông qua con đường truyền khẩu. Việc hé lộ kiến thức cho những người thân cận nhất đảm bảo rằng sẽ có người kế thừa và tiếp tục phát triển nó. Để thêm phần nghiêm trọng, họ thường căn dặn rằng “đừng đem những bí quyết này nói cho bất kỳ ai vì chúng có thể giúp tạo ra những con cá vô địch” (câu nói truyền thống này vẫn còn được duy trì cho đến tận ngày nay). Bằng việc truyền đạt kiến thức như vậy mà cá đá ở Thái Lan phát triển hết sức độc đáo nhưng đồng thời kỹ thuật lai tạo lại lập đi lập lại hay nói cách khác là không hề có sự tiến bộ nào. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi xét đến sự phát triển mạnh mẽ của cá Betta đuôi dài ở Mỹ so với cá Betta đuôi dài ở Thái Lan.

Ngày nay, hầu hết những nhà lai tạo cá nghiêm túc vẫn thuộc tầng lớp nông dân Thái Lan. Tôi thấy có trách nhiệm ghi nhận và công bố về những kiến thức và trí tuệ của họ như là một phần của lịch sử Thái Lan ngày nay lên mạng Internet.

Ở Thái Lan khi nói về Plakat, người ta phân biệt ra làm hai loại là loại đuôi dài và loại đuôi ngắn. Cả hai đều là Betta thuần dưỡng, có nguồn gốc từ loài Betta hoang dã. Cách nay khoảng 40 năm, Betta hoang dã có thể được tìm thấy ở khắp nơi từ những vùng ngập nước vào mùa lũ đến các con kênh dẫn nước trên đồng ruộng.
Vậy dạng Betta đuôi dài xuất hiện từ khi nào? Nếu chúng ta quan sát màu sắc và hình dáng của các cá thể Betta hoang dã thì có thể thấy chúng chỉ khác nhau về kích thước. Hiển nhiên là các nhà lai tạo chỉ làm cho chúng to hơn và chủ yếu là hung dữ hơn lên mà thôi. Tuy nhiên, câu châm ngôn “bạn không thể có tất cả những gì mà mình mong muốn” luôn đúng và thích hợp ở đây. Vậy đâu là nơi mà chúng ta mất dấu về quá trình phát triển của dạng cá đá đuôi dài và dạng cá đá đuôi ngắn? Betta hoang dã có hình dạng toàn thân rất cân đối, các vảy và vây sáng lấp lánh và rất cuồng nhiệt mỗi khi giương vi phùng mang; không dạng Betta thuần dưỡng nào có hình dáng và hành vi tương tự. Nói một cách ngắn gọn sự khác biệt giữa dạng hoang dã và thuần dưỡng chỉ ở kích thước mà thôi. Nhưng dạng Betta đuôi dài là gì? Chúng cũng giống như tất cả các dạng Betta khác. Dù các nhà khoa học đã kết luận rằng chúng cùng loài với Betta đuôi ngắn nhưng tôi không hề thấy con Betta đuôi dài nào xuất hiện trong một bầy Betta đuôi ngắn. Tôi luôn chất vấn các nhà lai tạo mà tôi quen biết về nguồn gốc của Betta đuôi dài nhưng không có ai biết cả. Câu trả lời thường là “tôi đã thấy cả hai loại Betta từ rất lâu rồi”. Các tài liệu nước ngoài cũng không thể giải đáp được điều này “tôi không rõ dạng đuôi dài đến từ đâu” [Christopher W. Coates, Tropical fishes for a Private Aquarium, 1950: trang 137]. Nhà lai tạo cao tuổi nhất, 80 tuổi mà tôi có dịp phỏng vấn cũng trả lời tương tự. Điều này bây giờ đã trở thành một truyền thuyết về cá đá mà tôi rất hào hứng đi tìm lời giải.

Có ba giả thuyết về sự xuất hiện của Betta đuôi dài.

Thứ nhất: thuyết giả lập môi trường
Thuyết này cho rằng con cá Betta cái thẩm thấu màu sắc và hình dạng của môi trường và truyền cho bầy con của nó. Theo thuyết này, giả sử rằng bạn muốn tạo ra con cá Betta đuôi dài màu vàng thì bạn có thể vẽ hình con cá đực đuôi dài màu vàng lên giấy rồi dán lên thành lọ nuôi con cá cái. Sau 1-2 tháng, chúng ta đem con cá cái lai với một con đực bất kỳ. Bầy cá con có thể xuất hiện một số cá thể có màu sắc và hình dáng như cá vẽ trên giấy bên cạnh số lượng lớn giống như cá mẹ và cá bố. Sau khi thu được những cá thể đầu tiên có đuôi hơi vàng và dài, nhà lai tạo sẽ đem con cá đực đuôi dài và vàng lai với con cá cái cũng đuôi dài và vàng ở cùng bầy. Bằng việc lặp đi lặp lại quá trình này, dạng cá Betta đuôi dài sẽ dần dần được hình thành.

Thứ hai: thuyết chuyên hóa
Nếu như thuyết giả lập dựa trên yếu tố môi trường thì thuyết chuyên hóa lại dựa trên yếu tố xã hội. Nhiều văn bản bằng tiếng Thái đều cho rằng con cá Betta splendens đuôi dài xuất hiện cách nay trên một trăm năm. Trong các văn bản nước ngoài, sự xuất hiện lần đầu tiên của cá Betta đuôi dài ở San Francisco hỗ trợ cho giả thuyết trên.

“Ở Thái Lan, việc lai tạo cá đá cũng như gà đá được duy trì từ hàng trăm năm nay, phát triển thành những dạng đặc biệt. Không hề có con cá đá nào được nhập vào Mỹ mãi cho đến năm 1928, khi hai chiếc tàu buôn cập bến San Francisco từ Bangkok. Những con cá với vây cực lớn này đã tạo nên một cơn sốt trong giới chơi cá cảnh ở đây. Có một loại sậm màu, vây đỏ. Những cá này lai với nhau, rồi với cá đuôi ngắn và những con cá Xiêm khác đến từ nước Đức…” [Lucile Quarry Mann, Tropical fish, New York, 1954]

Nếu những cứ liệu trên đây là chính xác thì nhìn chung, người Mỹ biết đến cá đá đuôi dài khoảng 30 năm sau khi nó được lai tạo thành công ở Thái Lan. Tôi tin rằng cá đuôi dài được phát triển từ cá đuôi ngắn mà chúng lại có nguồn gốc từ cá Betta hoang dã.

Trở lại luận điểm mà tôi đã đề cập ở trên rằng cá Betta đuôi dài là sản phẩm từ hoạt động lai tạo và can thiệp của con người, do đó những lý giải về mặt xã hội học ít nhiều phải được cân nhắc đến. Tại sao? Bởi vì một trăm năm trước chúng tôi không lai tạo cá vì các mục đích thương mại mà chỉ với mục đích giải trí chẳng hạn như để đá hoặc nuôi làm cảnh (thật khác với ngày nay khi thương mại và lợi nhuận là mục đích chính của các nhà lai tạo). Bây giờ, trở lại ý kiến của tôi, các cậu bé luôn nuôi cá đá đuôi ngắn giống như cha và ông mình từng làm. Nhưng còn các cô bé thì sao? Loại cá nào thích hợp cới các cô bé? Loại cá đá đuôi ngắn thì lại quá dữ tợn (nên nhớ rằng vào thời đó chỉ có đàn ông mới nuôi cá đá, thường là để đem đi thi đấu). Các cô bé lại muốn có loại cá cảnh tương tự như tụi con trai nhưng chỉ để nuôi chơi. Đây là lý do loại cá đuôi dài xuất hiện. Cha hay chú của các cô bé, và cũng là nhà lai tạo, cố ý lai tạo ra những cá thể Betta đuôi dài để làm vừa lòng con gái hay cháu gái của họ. Những cá thể có đuôi dài rất dễ phát hiện vì chúng trông rất khác biệt với những cá thể khác trong cùng bầy. Tôi cho rằng sự phát triển của cá đuôi dài bắt đầu khi cô bé đem khoe con cá đuôi dài của mình với chúng bạn. Các cô bạn gái này sau đó lại về nhà nài nỉ cha hoặc chú mình, cũng là những nhà lai tạo khác, tạo ra những con cá đuôi dài tương tự. Tôi nghĩ bây giờ độc giả có thể hình dung những gì diễn ra sau đó.

Truyền thống lai tạo ra những con cá đặc biệt để cho con nít nuôi chơi hãy còn được duy trì ngày nay. Ở mỗi khu vực, hầu hết các nhà lai tạo đều dành một bầy cá đặc biệt cho con cháu trong nhà chơi. Một số người lai tạo ra những màu sắc đặc biệt trong khi những người khác lại đem lai cá thuần dưỡng với cá hoang dã để trẻ em đem đá với cá tương tự của chúng bạn. Mục đích của việc lai tạo là để đem đi đá với những con cá Betta hoang dã. Loại cá này đá không bền nhưng cá lai lại khắc phục được nhược điểm này.

Tôi cho rằng lúc đầu dạng cá đuôi dài xuất hiện đâu đó ở các tỉnh lân cận Bangkok. Sự hình thành các câu lạc bộ cá cảnh tạo nên nhu cầu thương mại đối với dạng cá này. Giá cả của chúng rất đa dạng, tôi xin trích dẫn như sau: “cách nay hai, ba năm, loài Betta splendens thuần dưỡng có chất lượng rất đắt, khoảng 30 đô la một cặp” [Christopher W. Coates, Tropical Fishes for a Private Aquarium, 1950: trang138]

Ngày nay, các cô bé ở Thái Lan thích nuôi dạng cá đuôi dài làm cảnh, trong khi các anh em trai của họ vẫn thích nuôi dạng cá đuôi ngắn để đá.

Thứ ba: bắt nguồn từ Trung Hoa
Thuyết này dựa trên yếu tố ngôn ngữ để giải thích về nguồn gốc của cá đuôi dài. Nó hoàn toàn dựa trên cách đánh vần tên cá. Ở Thái Lan người ta gọi cá đuôi dài là “Plakat Cheen”. Plakat Cheen có thể được dịch thành “cá đá Trung Hoa” (Plakat=cá đá, Cheen=Trung Hoa). Tên này ám chỉ rằng cá đá đuôi dài đến từ Trung Hoa, hay ít ra nó phải có mối liên hệ nào đó đến người Hoa hay đất nước Trung Hoa. Tôi từng nghe có người nói rằng các thầy tu người Hoa, và cũng là các nhà lai tạo cá đem cá Betta đuôi dài vào thị trường cá cảnh ở đây.

Từ Plakat Cheen có ba cách hiểu. Thứ nhất, từ Cheen có thể hiểu là nước Trung Hoa hay người Trung Hoa. Điều này có thể hiểu là cá Betta đuôi dài có nguồn gốc từ Trung hoa và được đem vào Thái Lan thông qua các thủy thủ và thương thuyền cách nay trên trăm năm. Tuy nhiên, các chứng cứ (văn bản và truyền khẩu) đều bác bỏ khả năng này và cho rằng nó chỉ là từ vay mượn mà thôi.

Theo cách hiểu thứ hai, Cheen có nghĩa là người Hoa. Họ có thể là nhà sư, thường dân hay nhà lai tạo cá cảnh. Tôi vừa xem TV cách đây vài ngày và rất ngạc nhiên khi có chương trình cho rằng các nhà sư Trung Hoa là những người đầu tiên tạo ra cá đuôi dài cách nay khoảng một thế kỷ. Một nguồn tài liệu khác của Thái lại cho rằng các nhà lai tạo người Hoa là những người lai tạo cá đuôi dài thành công đầu tiên. Cá nhân mà nói, tôi thích cách giải thích này. Nó dường như củng cố cho ý kiến của tôi trước đây. Cá đuôi dài không dùng để đá mà chỉ để nuôi làm cảnh với động cơ thương mại ẩn dấu đàng sau sự xuất hiện của chúng. Các nhà lai tạo người Hoa rất giỏi trong việc phát hiện và phát triển những dòng cá mới. Người Hoa nắm giữ thị trường cá cảnh ví dụ như cá chép, cá vàng, cá bảy màu… Một yếu tố khác nữa đó là người Thái Lan không bán cá đá của mình như cá cảnh hay bán cho người ngoài. Người ta sợ rằng dòng cá của họ bị hỏng vì nuôi dưỡng hay huấn luyện sai cách hay chỉ đơn giản là sợ chúng bị bán cho đối thủ hay kẻ lừa đảo (nên nhớ rằng chất lượng của dòng cá gắn liền với tên tuổi của nhà lai tạo và số lượng tiền đặt cược). Những nhà lai tạo người Hoa có thể phát hiện ra giá trị của những con cá lộng lẫy và dự đoán rằng nếu tạo ra được những con cá có màu sắc đẹp hơn, vây dài hơn thì chúng sẽ là sản phẩm bán chạy. Khi còn trẻ, tôi còn nhớ là cá Betta đuôi dài được bày bán ở khắp các tiệm cá cảnh. Những người bán hàng đều là người Hoa và họ không bao giờ nói về khả năng đá của chúng. Sự phát triển của cá Betta đuôi dài sẽ mãi là điều bí mật bởi vì theo truyền thống của người Hoa, họ sẽ không bao giờ nói ra bí quyết kinh doanh cho người ngoài.

Cách hiểu thứ ba, Cheen là khái niệm so sánh về người Hoa hay nước Trung Hoa, lối so sánh ẩn dụ về những gì tương tự như như vậy; ví dụ như: nói to như người Hoa, mắt trông giống như mắt người Hoa, hay thiết kế theo phong cách Trung Hoa…

Câu chuyện về Plakat Thái
Trong quá trình tìm hiểu về cá đá Thái, tôi luôn tự hỏi rằng làm thế nào mà loài cá sống ngoài thiên nhiên có thể trở thành cá thuần dưỡng? Như các bạn đều biết, màu sắc và hình dáng của cá Betta splendens hoang dã hoàn toàn khác với cá Betta splendens thuần dưỡng. Cá hoang dã có màu sắc và hình dáng đồng nhất. Tất cả các cá thể đực và cái trông tương tự như nhau. Các cá đực đều có vảy sáng, màu vây khi bơi và giương lên rất đồng nhất. Màu sắc lấp lánh ở vảy là kiểu thông tin của các loài cá sống trong các vùng nước lợ và đục. Mặt khác, màu sắc của Betta splendens thuần dưỡng lại sậm và sặc sỡ hơn vì chúng sống trong nước trong. Mặc dầu cả hai dạng cá đều có cùng nguồn gốc nhưng chúng trông hoàn toàn khác nhau.

Còn có một dạng cá thứ ba bên cạnh hai dạng trên gọi là dạng cá lai. Ở Thái, người ta gọi chúng là “Pla Sung Ka See” (“Sung Ka See” nghĩa là tấm thiếc) hay ngắn gọn là “Pla Sung”. Tôi đã nghe nói về cái tên này từ hồi nhỏ khi mới bắt đầu chơi cá đá. Cùng với thời gian, ý nghĩa của từ Pla Sung vẫn rất mơ hồ và rất khó định nghĩa. Tôi từng thảo luận điều này với rất nhiều người ngoài trường đá cá. Vài người trong số đó đưa ra cách lý giải rất thú vị. Họ nói rằng “Pla Sung Ka See” là dạng cá có răng sắc như những tấm thiếc. Tiến sĩ Yon Musik, Phó giáo sư thuộc khoa Thủy sản của trường Đại học Nông Nghiệp định nghĩa về ý nghĩa của từ “Pla Sung Ka See” trong bài viết “Huyền thoại về Plakat Thái” như là dạng cá đá mà vảy cứng như những tấm thiếc!

“Pla Sung” hay cá lai đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Plakat Thái. Trong quá khứ, sự hiện diện của cá đá lai được đề cập đến rất nhiều nhưng lại không được quan tâm đúng mực để dựng lên một bức tranh tổng thể về sự phát triển của Plakat Thái. Điều này tương tự như việc quan sát nhà ảo thuật chuyền quả bóng màu từ tay này qua tay kia. Chúng ta thấy trái bóng hoặc ở tay này, hoặc ở tay kia nhưng không hề thấy làm cách nào mà chúng di chuyển được như vậy. Nếu đặt cá Betta hoang dã ở tay bên phải, cá Betta thuần dưỡng ở tay bên trái thì sự chuyển động của trái bóng chính là cá Betta lai. Mục đích của tôi là làm sao làm cho trái bóng dừng lại và làm sáng tỏ mối quan hệ của nó với tay phải và tay trái. Cá đá lai đóng vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa Betta hoang dã với cộng đồng cá cảnh trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Tóm tắt về sự phát triển của Plakat Thái
Có ba giai đoạn phát triển của Plakat Thái. Giai đoạn đầu tiên liên quan đến cá đá hoang dã. Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc lai tạo cá đá hoang dã và cả cá lai. Giai đoạn cuối cùng là tích lũy kiến thức về việc làm thế nào để lai tạo thành công cá Betta thuần dưỡng hay Plakat Thái hiện đại.

Giai đoạn I: Tìm hiểu về cá đá
1. Cá hoang dã
Trong khi khảo sát về những đặc trưng của trò đá cá ở Thái Lan, tôi phát hiện ra rằng trò giải trí này được phát sinh và lan rộng ở mọi vùng đất nước. Chúng tôi có thể lần ngược về quá khứ thông qua những lời truyền khẩu mà một nhà lai tạo thừa hưởng từ tổ tiên của mình cách nay khoảng 200 năm, vào thời mà thủ đô Bangkok mới bắt đầu được thành lập. Điều này có nghĩa người Thái đã chơi cá đá từ trước đó. Chúng ta cũng phải cân nhắc đến môi trường xã hội và chính trị vào thời buổi chiến tranh loạn lạc ấy. Người ta bắt cá Betta ngoài đồng lúa để đá với những con tương tự khác mà không hề có khái niệm về sự khác biệt giữa các loài, hay làm thế nào để lai tạo ra cá đá (như chúng ta biết ngày nay, loài cá đá địa phương ở miền Nam là Betta imbellis, ở miền Trung là Betta splendens, còn ở miền Tây Bắc là Betta smaragdina). Có hai bước để học cách đá cá. Bước thứ nhất là làm sao phân biệt được cá Betta với các loài cá khác. Người nông dân để ý cách chúng giương vây và đá nhau khi họ làm việc ngoài đồng. Cá Betta tạo những ổ bọt ngay trên các luống của ruộng lúa. Trẻ em thường bắt chúng ở đó và đem về nuôi trong lọ thủy tinh. Nông dân thường đem cá ra đá vào buổi chiều, lúc rảnh rỗi rồi sau đó lại thả cá về đồng. Một số trẻ em nuôi cá chỉ để làm cảnh. Ban đầu, trò đá cá chỉ diễn ra giữa bạn bè trong làng. Rồi thông qua các cuộc thách đấu và đá độ mà trò này nhanh chóng được chấp nhận và yêu thích một cách rộng rãi, từ làng này sang làng khác.

Bước thứ hai là việc thách đấu giữa các làng và các vùng. Trò đá cá trở nên phổ biến hơn khi mà việc thắng hay thua trận trở thành cả một sự kiện. Dần dần phong trào đá cá sản sinh ra những chuyên gia lai tạo và những con cá vô địch. Cũng từ đây mà hình thành ý tưởng làm thế nào để tạo ra con cá đá có thể chiến thắng cá đối thủ. Tuy nhiên, đa số mọi người không quá quan tâm đến vấn đề lai tạo cá đá. Họ chỉ cần biết nơi đâu có bán cá đá chất lượng là đủ. Họ cũng có thể thả con cá thắng trận ở một nơi nhất định rồi sau đó quay lại thu hoạch cá con đem đi đá.

Giai đoạn II: Quá trình lai tạo cá đá hoang dã và cá lai
2. Tuyển chọn cá đá hoang dã
Sự xuất hiện những con cá đá tốt nhất là cơ sở để những người nông dân tuyển chọn ra những dòng cá đá. Người ta lấy tên vùng để đặt tên cho những con cá được tuyển chọn tốt nhất. Nhiều người cũng sục sạo vùng đó để kiếm cá hay đôi khi đề nghị người chủ đất bán cá cho họ. Động cơ thắng trận được xem như là yếu tố chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của trò đá cá. Trong giai đoạn này, người ta thả con cá thắng trận cùng với một số cá cái ở một nơi nhất định rồi quay lại vào năm sau để thu hoạch lứa cá con. Nguyên tắc tuyển chọn cá đá hoang dã này vẫn còn được áp dụng cho đến tận ngày nay.

3. Thuần dưỡng cá đá hoang dã
Bối cảnh của trò đá cá hoang dã như mô tả ở trên diễn ra khi người ta còn coi đó như là một trò chơi, thậm chí còn chưa được coi là một sở thích. Tuy nhiên, ngay trò chơi cũng có con đường phát triển của riêng nó. Khi người ta tham gia cuộc chơi một cách nghiêm túc, cố trở thành người thắng cuộc và kiếm tìm sự nổi tiếng cùng với giải thưởng và tiền bạc; tất cả trở thành động lực cho việc tạo nên những con cá đá ngày càng tốt hơn. Việc lai tạo cá đá bắt ngoài tự nhiên sẽ cho kết quả không đảm bảo, ngay cả cá đá lấy từ những vùng đặc biệt cũng không đủ mức độ tin cậy. Trò đá cá trở nên khắc nghiệt và quan trọng hơn khi người ta cá cược nhiều tiền hơn. Một khi người tham gia muốn thắng trận thì họ phải kiểm soát tốt chất lượng cá đá của mình; tức là họ phải kiểm soát cá giống bố mẹ và môi trường lai tạo. Vì vậy nhà lai tạo bắt đầu lai tạo cá của mình trong các hố đào dưới đất, từ đó dần dần hình thành nên dòng cá thuần dưỡng. Ý tưởng cơ bản này được xem như là bước đầu tiên trong việc hình thành cá đá Xiêm hiện đại hay Plakat Thái, tức từ thiên nhiên thâm nhập vào xã hội loài người. Mục đích đàng sau việc lai tạo cá thuần dưỡng là tạo ra cá đá có chất lượng và đủ nhiều để bán và chia xẻ với bạn bè. Bởi vì hoạt động đá cá diễn ra quanh năm, tôi nghĩ điều này thuận lợi cho việc kinh doanh và lai tạo hàng loạt khi nhu cầu thị trường tăng lên. Ở giai đoạn này, một số người lai tạo cá thuần dưỡng sao cho bề ngoài giống như cá đá hoang dã, để rồi lại đem đi đá với cá hoang dã. Việc kiểm soát môi trường và hoạt động lai tạo phải được thực hiện một cách bí mật và phải tương tự với môi trường sinh sống tự nhiên của cá hoang dã. Mục đích của điều này là để đánh lừa và đả bại cá của đối phương. Nó dẫn đến sự cạnh tranh theo hai hướng; một là trò đá cá thực sự diễn ra giữa cá đá với nhau và một là sự cạnh tranh giữa những người chơi cá. Tôi thích loại thứ hai hơn; tức là quá trình mà nhà lai tạo tìm tòi phương thức lai tạo ra những con cá có thể đá bại cá của nhà lai tạo khác. Bấy giờ là lúc cá đá Xiêm bắt đầu phát triển thực sự.

Ban đầu, nhà lai tạo chỉ muốn lai tạo cá đá trông giống như cá hoang dã nhưng lại khỏe mạnh và lì đòn để đá thắng cá của đối phương. Vào thời đó tôi không nghĩ có người có thể tưởng tượng ra loại cá đá đuôi ngắn (tức loại cá đá tuyển dữ nhất bây giờ). Loại cá đá tuyển chỉ xuất hiện sau rất nhiều thế hệ tuyển chọn cá đá hoang dã cho đến khi nó không còn giữ được màu sắc và hình dạng nguyên thủy nữa. Các thế hệ cá đá được thuần dưỡng lâu đời có kích thước lớn hơn, màu sậm hơn, dế nuôi và dạn dĩ với sự hiện diện của con người hơn. Dưới bàn tay con người, diện mạo cá đá liên tục bị biến đổi triệt để cho đến khi chúng không còn mang hình dạng nguyên thủy nữa. Cá hoang dã không còn có khả năng đá thắng cá thuần dưỡng về mọi phương diện. Điều đó có nghĩa, cá đá hoàn toàn chia làm hai nhóm. Nhóm cá hoang dã (Plakat Pah) và cá lai (Pla Sung) và nhóm cá thuần dưỡng (Plakat Morh). Những nhóm cá này vẫn còn được duy trì ở nhiều trường đá cá ngoại ô Bangkok ngày nay. Sự thay đổi triệt để về hình dạng không chỉ ảnh hưởng đến lối đá của cá mà còn tác động mạnh mẽ đến thế giới cá đá Xiêm dưới phương diện cá cảnh.

4. Lai tạp
Cá đá lai là kết quả của việc lai tạp giữa cá đá hoang dã với cá đá thuần dưỡng rặt. Tôi sử dụng cụm từ “cá đá thuần dưỡng rặt” đối với những con cá mà cha mẹ của chúng cũng là cá đá thuần dưỡng. Việc tìm ra cặp cá giống tốt là điều vô cùng khó khăn đối với nhà lai tạo, đặc biệt là khi họ muốn cá của mình đá bại cá của đối phương. Việc gia nhập cũng như trao đổi những con cá tốt nhất đến từ miền Nam, miền Đông Bắc và miền Trung của Thái Lan thường được thực hiện cùng với sự thiếu hiểu biết về sự khác biệt giữa các loài cá đá thuần chủng. Hoạt động lai tạo diễn ra mạnh mẽ nhất ở Bangkok và các vùng ngoại ô bởi vì hoạt động đá cá ở đây mang nhiều tính thách thức hơn, tiền đặt cược nhiều hơn và cộng đồng chơi cá cũng đa dạng hơn.

Cá lai cũng có chiến lược lai tạo định sẵn; nhà lai tạo muốn tạo ra con cá trông giống như cá đá hoang dã nhưng lại thừa hưởng mọi ưu điểm của cá đá thuần dưỡng. Tuy nhiên, chúng cũng chỉ để đá trong thời gian ngắn, khoảng 30 phút mà thôi. Cá đá hoang dã đá nhanh hơn thế nhiều hay đôi khi còn không chịu đá. Cá đá lai phát triển thành một bước độc đáo riêng trong quá trình lai tạo cá đá.

Cá đá lai có thể được tìm thấy trên mọi miền đất nước, ở những nơi có hoạt động đá cá. Nhà lai tạo sử dụng cá đá địa phương để lai với con cá đá cực giỏi. Chẳng hạn, người vùng Đông Bắc Thái Lan có thể đem con cá Betta splendens tốt nhất để lai với con cá đá địa phương Betta smaragdina tốt nhất của họ. Người miền Nam lai cá Betta imbellis với cá Betta splendens. Chỉ có thể khẳng định rằng, con cá đá đầu tiên được lai tuyển chọn là loài Betta splendens ở miền Trung Thái Lan; đâu đó giữa cố đô Ayuthaya, vùng Padrew nay là tỉnh Cha Chueng Sao và vùng Mahachai nay là tỉnh Sa Mut Sa Khon.

Có hai loại cá lai là cá lai hoang dã và cá lai thuần dưỡng. Theo tôi thấy cá lai hoang dã được những người đá cá dễ chấp nhận hơn bởi vì nhà lai tạo chỉ thả chúng vào môi trường tự nhiên và để thiên nhiên đào luyện chúng trở thành cá đá tốt. Nhà lai tạo thả cá giống hay thậm chí cá con vào một khu vực riêng biệt và để chúng tự sinh sản một cách tự nhiên.

Giai đoạn III: Lai tạo cá đá thuần dưỡng rặt
5. Lai tạo cá đá thuần dưỡng rặt
Cụm từ “cá đá thuần dưỡng rặt” có nghĩa là bầy cá được sinh ra từ cặp cá giống thuần dưỡng. Cá được phát triển lối đá một cách có chủ ý theo phương pháp của người huấn luyện. Cá đá thuần dưỡng rặt ngày nay được biết như là loại cá đá đuôi ngắn đang lưu hành trên thị trường. Cá đá thuần dưỡng rặt có nguồn gốc từ các loài Betta hoang dã. Ngoài trường đá cá, người ta không coi cá đá thuần dưỡng là cá đá hoang dã thực thụ bởi vì những khác biệt về kích thước, hình dáng, màu sắc và kỹ năng chiến đấu. Tôi cho rằng đến lúc này thì sự tồn tại của cá đá thuần dưỡng không còn giữ bí mật được nữa. Bấy giờ, trường đá cá hình thành hai thể loại. Loại đầu là đá cá hoang dã (gồm cả cá lai). Trong thể loại này, người ta cố gắng lai tạo cá đá trông giống như cá hoang dã nhưng đá nhanh và lì đòn hơn. Loại thứ hai là đá cá thuần dưỡng rặt theo đó người ta cố gắng phát triển kỹ năng đá và cấu trúc cơ thể theo chủ ý của nhà lai tạo. Do vậy mà ngày nay mới có nhiều dạng cấu trúc cơ thể ngoài trường đá cá. Tôi chia Plakat Thái thành 3 dạng cấu trúc cơ bản là dạng bản lóc, dạng bản rô và dạng bản thát lát. Theo tôi thì sự hình thành dạng cá đá đuôi dài là giai đoạn thứ tư trong quá trình phát triển của Plakat Thái. Vẻ đẹp của cá đá đuôi dài được chào đón trong lãnh vực cá cảnh. Ý tưởng lai tạo các dòng cá theo hướng này hay hướng kia chỉ tập trung vào mục đích tạo ra cá đẹp mà thôi. Kể từ đó, Plakat Thái đuôi dài phô trương sắc đẹp của chúng trên các thị trường cá cảnh khắp thế giới.

Cá Mahachai
Có một trung tâm lai tạo cá hoang dã điển hình chỉ cách Bangkok 20 km. Vùng Mahachai hay tỉnh Samutsakhon nằm tiếp giáp với Bangkok về phía biển. Cách đây 500 năm, vùng này được gọi là “Tha Cheen” có nghĩa là cảng biển Trung Hoa. Tôi tin rằng các nhà buôn người Hoa mang cá đá từ cảng này đi Malaysia, Singapore, Việt Nam và cả Indonesia. Về mặt địa lý, Mahachai là vùng rừng ngập mặn, rất khác biệt với các cánh đồng lúa nơi hầu hết Betta hoang dã sinh sống. Đây là vùng nước lợ và đục vì vậy cá có vảy sáng để nhận thấy nhau. Dòng cá lai Mahachai có màu sắc độc đáo với lớp vảy sáng lấp lánh; chúng thật xinh đẹp và cuốn hút.

Màu sắc độc đáo của cá Mahachai làm nảy sinh hai vấn đề. Thứ nhất, người ta cho rằng cá Mahachai là loài Betta mới được phát hiện; người địa phương nói rằng họ từng thấy loài cá này từ rất lâu rồi. Hình dạng cá Mahachai hoàn toàn khác với các loài Betta imbellis, Betta smaragdina và ngay cả Betta splendens. Thứ hai, có khả năng cá Mahachai là cá đá lai vì người ta nói rằng họ đã lai tạp chúng với loài Betta splendens từ hàng trăm năm nay và nhà lai tạo chỉ đơn giản thả con cá đá tốt nhất vào những vùng nhất định như tôi từng mô tả ở trên. Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng cá Mahachai là cá lai. Chừng nào mà chưa có các kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh khác đi thì tôi vẫn bảo lưu ý kiến rằng cá Mahachai là một dạng cá Betta lai địa phương.

Khi tôi thấy cá Mahachai tại một trường đá cá ở “Baan Paw” (một phố thị trong vùng Mahachai) cách đây 3 năm, tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng chúng là cá Betta smaragdina hoang dã hay lai. Tôi thậm chí còn phô bày sự thiếu hiểu biết của mình ở một hội nghị về Betta tại trường Đại học Nông nghiệp vào tháng 2 năm 2000, tôi nói rằng trường đá cá ở “Baan Paw” sử dụng cá Betta smaragdina lai để đá độ. Vào thời điểm đó, tôi đang nghiên cứu về con đường phát tán của Betta smaragdina vào miền Trung Thái Lan. Tôi đã nhầm lẫn ngay cả khi các nhà lai tạo cho biết họ đã lai cá hoang dã với cá Betta splendens thuần dưỡng rồi thả cá con về môi trường tự nhiên. Nguyên tắc lai tạo này được duy trì trong một thời gian rất lâu cho đến tận ngày nay. Vài nhà lai tạo nói rằng họ đã gửi rất nhiều cá lai đi đá ở miền Tây Bắc và thắng nhiều độ. Điều này có nghĩa rằng không có nhiều khác biệt giữa cá Mahachai lai và cá lai ở đấy, vì vậy người đá cá không e ngại gì khi cáp độ. Có một số thuật ngữ lai tạo mà các nhà lai tạo ám chỉ đến việc cá Mahachai là cá lai tạp.

Luk Bang = Cá bắt được ở vùng đầm lầy.

Luk Thod = Cá thuần dưỡng có bề ngoài tương tự như cá hoang dã.

Luk Sub = Cá lai.

Luk Sard = Cá được thả trở về vùng đầm lầy.

Luk Kratang = Cá thuần dưỡng.

Sau đây là những hình ảnh về cá Mahachai bắt được trên địa bàn sinh sống tự nhiên của chúng. Người đàn ông trong hình là nhà lai tạo, người nói với tôi rằng gia đình của ông đã lai tạo cá đá từ hơn một trăm năm trước. Nguyên tắc lai tạo của ông là đơn giản thả cá giống vào một vùng dành riêng và để chúng bắt cặp và sinh sản một cách tự nhiên. Nhà lai tạo sử dụng cá mái Plakat Morh hay cá Betta đuôi ngắn để phát triển kỹ năng chiến đấu của cá đá địa phương. Khi chúng tôi đi thăm cá, ông có thể chỉ tôi biết con cá đá tốt nhất trú ngụ ở đâu còn những con cá đá bình thường khác trú ngụ ở đâu. Nhưng những con cá đá địa phương thuộc về loài nào thì tôi không hề biết. Đó có thể là loài cá Betta mới đang chờ để các nhà khoa học khảo sát và khám phá. Hay chúng chỉ là loài cá địa phương hình thành thông qua cách lai tạo đặc biệt tức thả những con cá giống (gồm Betta splendens, Betta imbellisBetta smaragdina) vào những vùng dành riêng trong hơn một thế kỷ. Những con cá này lai tạp với nhau và hình thành dòng cá Betta mới khác biệt với tổ tiên của chúng. Dù gì thì chúng vẫn là chỉ là cá lai.



Bài viết cùng thể loại:


Cá thuần dưỡng có phải là Betta splendens?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét