Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Sự khác nhau giữa opaque và phấn

Đôi khi rất khó phân biệt hai loại cá, đây là một con cá phấn của Dan Young...

… và đây là một con opaque của Shannon Kasarcik.
Tôi thường thấy câu hỏi này được lặp đi lặp lại mãi trên hầu hết các diễn đàn, và hãy để tôi giải thích nó cho tất cả các bạn.


Các gen tạo ra màu opaque gồm: C bl Si Nr Op. Trong đó:

C – gen cambodian hạn chế các sắc tố sẫm.
bl – gen xanh thép làm cho cá có màu ánh bạc khi ánh sáng chiếu vào.
Si – gen phát triển màu ánh kim, trong trường hợp này đó là màu xanh thép.
Nr – gen làm cho cá không có màu đỏ.
Op – gen làm cá có màu opaque như bột.

“Si” là gen trội, “c” và “nr” là gen lặn và “Op” là gen trội một phần. Vì Op là gen trội một phần cho nên một alen thì đặc điểm có biểu hiện nhưng 2 alen thì đặc điểm biểu hiện rất rõ.

Op là gen mang lại đặc điểm màu opaque.

Opaque không có nghĩa là màu trắng. Có ba loại opaque: opaque xanh thép, opaque xanh dương và opaque xanh lục. Khi nói về opaque, chúng ta thường ngầm hiểu là “opaque xanh thép”. Tuy nhiên, do có bề ngoài màu trắng nên người ta gọi ngắn gọn là “opaque”.

Còn có những loại opaque khác là opaque xanh lục và opaque xanh dương. Hai loại này thường có ánh xanh lục và xanh dương thay vì màu trắng. Opaque ám chỉ cá có mang gen “Op”.

Do đó, nếu bạn lai opaque xanh dương x opaque xanh dương thì bạn sẽ thu được opaque xanh dương, opaque xanh lục và opaque xanh thép.

Và nếu bạn lai opaque xanh dương x opaque xanh thép thì bạn sẽ thu được opaque xanh dương và opaque xanh thép (opaque xanh thép tức là opaque trắng).

Opaque có thân nhạt màu nhờ gen cambodian (C) nhưng nó cũng có thể có xuất xứ từ gen cẩm thạch. Để điều này xảy ra, yếu tố ánh kim và opaque phải hiện diện.

Yếu tố opaque phải hiện diện ít nhất ở một trong hai cá bố mẹ. Tốt nhất là cả cá cha lẫn cá mẹ đều có màu xanh (xanh thép x xanh dương hay xanh dương x xanh dương) để bầy cá con xuất hiện xanh thép. Cả hai cũng cần có gen cẩm thạch.

Opaque có một số vấn đề riêng. Bất cứ khuyết tật nhỏ nào như vảy đen, miệng đen… đều nổi rất rõ trên nền trắng. Màu trắng cũng không nổi bật nếu bên dưới hiện diện lớp màu vàng. Lớp này làm cá trông hanh vàng. Những màu khác cũng ảnh hưởng và làm cá ửng xanh, đặc biệt là trên các vây.

Một vấn đề khác liên quan đến opaque đó là chất lượng vây rất kém. Để cố đạt được màu trắng tinh khiết, các nhà lai tạo có xu hướng chọn những con cá có màu sắc đạt yêu cầu hơn là chất lượng vây. Kết quả là những cá thể opaque không có vây đẹp như ở những dòng cá khác.

Một ưu điểm ở cá opaque đó là chúng không hung dữ như các dòng cá khác.

IBC định nghĩa về dòng opaque như sau: cá non-red nhạt màu tương tự như cá phấn. Tuy nhiên, chúng tích trữ nhiều guanine nên có màu sữa đặc và đục. Sự tích trữ này hiện rõ ở vùng xung quanh đầu và mắt vì cá trở nên trắng hơn khi trưởng thành.

Độ dày của lớp “phấn trắng” là chìa khoá để phân biệt giữa màu opaque với màu phấn. Điều này có thể thực hiện một cách dễ dàng bằng cách quan sát vùng xung quanh đầu và mắt. Ở opaque, lớp phấn dày lan khắp thân kể cả ở mũi trong khi ở cá phấn, lớp phấn không lan đến đầu và nếu có cũng rất ít.

Các gen tạo ra màu phấn (pastel) gồm: C Bl Si Nr. Trong đó:

C – gen cambodian hạn chế các sắc tố đậm.
bl – gen xanh thép làm cho cá có màu ánh bạc khi ánh sáng chiếu vào.
Si – gen phát triển màu ánh kim, trong trường hợp này đó là màu xanh thép.
Nr – gen làm cho cá không có màu đỏ.
Op – cần thiết nhưng chỉ ở một mức độ nhất định. Nếu màu này quá ít, cá gần như trong suốt, nếu màu này quá nhiều thì cá trở thành opaque.

Cá phấn là cá betta ánh kim (xanh dương, thanh thép và xanh lục). Các gen cambodian (C) hay non-red làm chúng có bề ngoài khác với cá betta ánh kim sậm màu thông thường. Cá phấn là dị hợp tử của cambodian, gen giúp chúng có thân màu thịt sáng. Hầu hết trắng phấn đều có ít nhiều gen opaque (Op) điều làm cho màu ánh kim thêm đậm. Nếu không có gen opaque, màu ánh kim sẽ trở nên trong suốt bởi vì thiếu các sắc tố sẫm màu (đen hay đỏ).

Vì thế, cá opaque cũng là cá phấn mà thôi, chẳng qua cá opaque có nhiều yếu tố opaque (Op) hơn so với cá phấn. Do đó, nếu bạn lai opaque x phấn thì bạn vẫn thu được opaque. Một con cá phấn chất lượng phải có ít yếu tố opaque thôi và cách lai tạo như trên sẽ làm tăng yếu tố opaque cho dòng cá.

Ghi chú (VNRD)
Bản chất màu trắng ở cá betta là điều hết sức thú vị. Màu trắng ở các loài cá khác bao gồm hai loại:

1- Bạch tạng: cá bị thiếu toàn bộ các tế bào sắc tố. Màu mà chúng ta nhìn thấy là màu của lớp hạ bì và nó thường có màu trắng. Bởi vậy mà những con cá trắng toát toàn thân hay một phần thường được gọi là cá bạch tạng.

2- Màu ánh kim trắng: do các tế bào ánh kim trắng (leucophore) tạo ra, màu này thường xuất hiện ở phần bụng cá. Chất guanine tích luỹ trong tế bào ánh kim trắng phản xạ ánh sáng ở mọi bước sóng nên chúng ta thấy cá có màu trắng lấp lánh.

Ở cá betta, lớp hạ bì không có màu trắng mà là màu thịt như ở cá cambodian. Cá cambodian chính là cá betta bạch tạng nhưng không phải là bạch tạng toàn thân vì vây vẫn có màu đỏ và mắt đen. Cá betta bạch tạng toàn thân phải có thân màu thịt như cambodian, vây trong suốt như betta bướm và mắt màu đỏ. Nghe nói cá betta bạch tạng có xuất hiện nhưng vì “màu sắc” kém hấp dẫn nên không ai duy trì.

Vậy màu trắng ở cá betta là gì? Nó cũng được tạo ra bởi sự tích luỹ chất guanine nhưng không phải bên trong tế bào ánh kim trắng mà lên trên lớp biểu bì tức lớp da ngoài cùng. Bản chất của việc tích luỹ này liên quan đến cơ chế thải loại của cá, thay vì phải phân huỷ và thải chất này ngoài thì cá tiết kiệm năng lượng bằng cách tích luỹ một phần vào tế bào ánh kim trắng! Tuy nhiên, ở cá betta việc tích luỹ guanine đã vượt quá giới hạn của tế bào ánh kim mà lên cả lớp biểu bì. Thậm chí, ở một số cá thể opaque việc tích luỹ này bị mất kiểm soát! Độ dày của lớp ánh kim ngày càng tăng cùng với độ tuổi, thậm chí lan lên cả nhãn cầu mắt khiến cá gần như bị mù. Ở những cá thể như vậy, chúng ta cần tranh thủ lai tạo càng sớm càng tốt.

Bài viết cùng thể loại:


Lai tạo cá betta đỏ vang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét