Cá Plakat cambodian có thân khá “sạch” (không dính màu đen, đỏ hay ánh kim) và vây đỏ tươi. |
Một con betta cambodian chất lượng có thân nhạt màu và đồng nhất, màu vây đều và sáng. Mặc dù lai tạo cambodian rất dễ, nhưng tạo ra một con cambodian chất lượng thực sự rất khó giống như lai tạo những con cá có chất lượng ở những dòng khác vậy. Có bốn điều kiện quan trọng để tạo ra một con cambodian “lý tưởng”: không có lớp màu đen, không có lớp màu đỏ, không có lớp ánh kim và không có lớp màu vàng trên thân. Như vậy để tạo ra một con cambodian với thân có màu thịt và đều, bạn cần kết hợp với không chỉ một gen để triệt tiêu lớp màu đen.
Betta cambodian mang tiếng là huỷ hoại dòng đỏ toàn thân vì gây đột biến ở lớp đỏ và làm giảm bớt màu đỏ. Thực tế, gen cambodian không tác động gì đến lớp đỏ nhưng vì nó làm mất lớp đen nên làm cho cá trông nhợt nhạt hơn. Cambodian cũng được sử dụng trong dòng non-red như vàng và cam để tạo ra những con cá có màu đều và đậm.
Gen cambodian tác động đến lớp sắc tố đen ở dòng betta đỏ toàn thân (extended red): làm giảm màu đen nên màu đỏ bị nhạt bớt. |
Cambodian đực (cc) đôi khi cũng đỏ như betta đỏ bình thường, chỉ khác ở chỗ thiếu đi lớp màu đen trên thân và vây. Cambodian không phải là cá bạch tạng vì mắt có phủ hắc sắc tố. Cá betta bạch tạng thực sự có xuất hiện nhưng thường bị mù hay gần như vậy nên rất khó sống sót và sinh sản; do đó dòng cá bạch tạng không hề tồn tại và quan hệ giữa gen bạch tạng và cambodian chưa hề được kiểm định.
Một số dòng cambodian có dính màu đen trên thân dưới dạng những đốm. Khảo sát kỹ càng cho thấy chúng là những tế bào hắc sắc tố melanophore nằm ở lớp giữa chứ không bao giờ nằm sâu hơn hay hiếm khi nằm ở bề mặt da. Những chấm đen ở dòng cambodian là do di truyền nhưng tôi không để ý lắm vì chúng thường xuất hiện bất ngờ, đôi khi chỉ hình thành sau khi cá đạt 18 tháng tuổi. Màu đỏ ở cambodian phát triển muộn hơn so với ở dòng cá nền sẫm và cá cambodian cái hiếm khi dính màu đỏ trên thân mặc dù vây của chúng cũng đỏ như cá đực.
Trong một thử nghiệm, tôi lai một con cá đực đỏ tươi với một con cambodian cái không dính chút màu đen nào trên thân. Con của chúng có màu thân đồng nhất. Bảy mươi ba con trưởng thành và tất cả chúng có màu đỏ đậm, đậm hơn (có nhiều màu đen hơn) cha mẹ chúng. Lai ngược con cá mái đỏ đậm trong bầy đó với con cá cha đỏ tươi cho ra hai loại đỏ với tỷ lệ 1:1 (22 đỏ đậm : 23 đỏ tươi), trong khi thế hệ F2 (lai giữa anh chị em với nhau) cho ra 16 đỏ đậm : 8 đỏ tươi : 11 cambodian)
Những màu sắc đa dạng ở cá betta được xây dựng bởi một số gen chính và có lẽ chỉ một vài trong số những gen phụ được khảo sát một cách đầy đủ. Sự hình thành và phân bố hắc sắc tố được điều khiển chủ yếu bởi hai gen, C và B, cả hai đều là gen trội và phải hiện diện để tạo nên màu nền đỏ-nâu trên thân như ở cá hoang dã. Dị hợp tử b làm giảm màu đen trên thân và hạn chế phân bố của màu đen chỉ còn một lớp duy nhất ở vây. Gen cambodian còn làm giảm màu đen trên thân mạnh hơn và tác dụng trên vây tương tự như bb.
Người ta nỗ lực tạo ra dòng cambodian tốt bằng cách chọn cá đực có thân càng nhạt càng tốt. Hiếm khi nào một con cambodian đực có thân thật nhạt màu và không dính chút màu đen hay đỏ được bày bán, vì nó có thể được dùng để lai với con cá mái tương tự và tạo ra vô số cá con màu thịt/đỏ thuần. Để đạt được mục đích này, cá cambodian giống lấy từ dòng non-red có lẽ tốt hơn là lấy từ dòng đỏ toàn thân vì nó có thể tạo ra nhiều cá con đỏ toàn thân hay đỏ thường. Hãy cẩn thận với những con cá có thân thật nhạt màu mà mầu vây cũng nhạt như vậy; chúng thường mang gen opaque hay phấn. Cá cambodian thuần phải có thân màu thịt và vây phải có màu ĐỎ TƯƠI hay ĐỎ TÍM.
Mặc dù có nhiều thông tin về các loại “cambodian xanh dương” , “cambodian xanh lục” và kể cả “cambodian đen” nhưng tôi tin rằng cambodian chính hiệu phải có các màu thịt và đỏ kết hợp. Những loại khác dù có thân nền sáng nhưng không có màu sắc và di truyền giống như cambodian nên tốt hơn là xếp chúng vào loại betta phấn hay cẩm thạch.
Di truyền (theo J. Sonnier)
Cambodian đực x xanh lục cái (thân nền sẫm) = 100% đa sắc (mang gen cambodian)
Cambodian đực x đa sắc cái (mang gen cambodian) = 50% cambodian, 50% đa sắc (mang gen cambodian)
Cambodian đực x cambodian cái = 100% cambodian
Ghi chú (VNRD)
Bài này rất hay, nó cho chúng ta biết một số thông tin thú vị. Trước hết, màu trên thân của một con cambodian chuẩn là màu thịt (flesh) tức là trên thân của nó chẳng có chút sắc tố nào hết, không đen, không đỏ, không vàng và không ánh kim. Vì không có chút sắc tố nào và có lẽ lớp hạ bì cũng trong suốt nên người ta có thể nhìn xuyên qua và thấy rõ lớp thịt bên trong, đó là lý do thân cá có màu “thịt”.
Bạn có biết rằng một khi da cá không có chút sắc tố nào hết thì được gọi là bạch tạng (albino)? Nhưng tác giả lại nói rằng cambodian không phải là cá bạch tạng vì cá bạch tạng bị mù và không thể sống sót được. Thực ra, không có gì mâu thuẫn cả, tác giả dùng từ “bạch tạng” với ý nghĩa con cá bị mất sắc tố toàn thân trong khi con cambodian chỉ mất sắc tố ở trên thân mà thôi (vẫn còn sắc tố ở các vây và mắt!). Nói một cách khác, cambodian là cá bị “bạch tạng một phần”. Như vậy, con cá betta bạch tạng nhất định phải có màu thân giống như cambodian, còn màu vây phải trong suốt như viền vây của những con betta bướm và mắt có màu đỏ.
Ở những loài cá khác như cichlid chẳng hạn, vùng da bị bạch tạng thực sự có màu như tên gọi, tức là “trắng toát”. Theo tôi đó là màu của lớp hạ bì. Có lẽ lớp hạ bì ở cá betta có màu “thịt” hoặc nó trong suốt nên chúng ta mới nhìn thấu lớp thịt bên trong. Vậy riêng trường hợp cá betta có nên gọi là “thịt tạng” chăng?
Bài viết cùng thể loại:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét