Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Sự chênh lệch về tỉ lệ giới tính

Ai thường ép cá lia thia cũng sẽ gặp phải một bầy cá hoặc là thật nhiều cá trống hoặc là thật nhiều mái. Nếu nghe thử lời của các thầy bàn sẽ thấy đủ lời giải thích: nào là độ pH quá cao hoặc quá thấp, nào là tuổi của cá lúc được lên keo, rồi tuần trăng, nhiệt độ lúc bình minh, giá bia hôm qua, ôi thôi đủ thứ cả. Nói gì thì nói, tỉ lệ giới tính của cá giao động trong từ 100% mái tới 100% trống.


Những câu trả lời của các câu hỏi khó thường đến từ việc trả lời một câu hỏi khác. Dựa trên tinh thần này, chúng ta hãy tự hỏi tại sao chúng ta lại nghĩ là tỉ lệ trống mái phải là 1:1 cái đã. Trong khi chúng ta quen với ý nghĩ đây là chuyện "bình thường" vì tỉ lệ giới tính 1:1 ở người, thì chúng ta cũng biết là với xã hội côn trùng như kiến hoặc mối có tỉ lệ giới tính khác hẳn. Vậy, cái gì giữ tỉ lệ giới tính ở mức 1:1? Nếu chúng ta biết câu trả lời của câu hỏi này, chúng ta có thể tìm ra một cơ chế hoạt động có thể giải thích được tại sao tỉ lệ 1:1 bị xáo trộn.

Hãy thử tưởng tượng một quần thể động vật với số đực, cái bằng nhau . Chúng ta sẽ xem thử số phận của những đột biến di truyền làm sái đi tỉ lệ 1:1 đó . Những dạng đột biến như vậy luôn diễn ra trong tự nhiên. Một trường hợp cổ điển là vụ liên quan tới các cây bắp bị dịch rụi lá vào năm 1970. Một chủng đột biến của bắp được sinh ra nhưng bị thiếu tính đực. Chủng loại này có 1 đặc tính là không cần vặt râu bắp và, do đó chủng bắp này được nhân trồng rộng rãi. Đáng tiếc thay, chủng bất thụ này cũng có một đặc tính là dễ bị nhiễm nấm và sau đó hầu hết loại cây 1970 bị biến mất. Sự đột biến làm thay đổi tỉ lệ giới tính, cũng như những đột biến làm nó trở lại bình thường được biết đến nhiều.

Còn số phận của sự đột biến tự nhiên dẫn đến sự sản xuất thặng dư giống đực thì sao? Sự đột biến sẽ dẫn tới một quần thể có nhiều đực hơn cái. Một số con đực chắc chắn sẽ không kiếm được bạn đời. Do đó, con đực sẽ là kẻ thua cuộc trong trò chơi sinh sản. Cha mẹ nào tạo ra nhiều đực hơn sẽ có ít con cháu nối dõi hơn những cha mẹ tạo ra tỉ lệ 1:1. Điều ngược lại cũng sẽ đúng cho sự đột biến tạo ra nhiều con cái.

Bây giờ chúng ta có câu trả lời cho câu hỏi chưa hỏi, chúng ta có thể trở lại câu hỏi chúng ta muốn trả lời. Mấu chốt là xem kỹ lý luận của tỉ lệ giới tính 1:1. Để dựng nên câu trả lời, tôi yêu cầu quí vị hãy tượng tượng đến 1 quần thể động vật với tỉ lệ giới tính cân bằng. Nếu chúng ta thả lỏng cái giả dụ này thì sao? Chuyện gì xảy ra nếu có sự thiếu hụt con đực, tương tự như xã hội chúng ta vào cuối Thế Chiến thứ Hai? Nếu cuộc chiến đó tạo nên 1 thế hệ con người thiếu đàn ông, thì đàn bà sẽ có lợi thế khi sanh ra nhiều con trai. Lợi thế đó, tuy vậy, lại không bền lâu. Khi chiến tranh chấm dứt, quần thể nam giới chắc chắn sẽ trở lại bình thường và nam thừa sẽ là một bất lợi.

Khi tỉ lệ giới tính khác xa với tỉ lệ 1:1, việc sản xuất thặng dư giới tính đang thiếu hụt sẽ có lợi thế thật sự, mặc dù lợi thế đó về sau sẽ bị loại bỏ. Có cách nào con vật có thể nắm được lợi thế ngắn ngủi đó trong việc truyền giống? Có, nhưng chỉ khi con vật đánh giá được tỉ lệ giới tính chung quanh không cân bằng và có chỉnh sửa lại tỉ lệ đó. Tưởng tượng rằng cá lia thia, hoặc một loài vật nào khác, có khả năng phát hiện rằng xung quanh có quá nhiều cá trống và phản ứng lại bằng cách tạo ra nhiều cá mái hoặc ngược lại. Những loài như vậy sẽ phát triển tốt hơn những loài chỉ tạo ra tỉ lệ 1:1 như trường hợp con người chúng ta.

Dĩ nhiên vấn đề ở đây là loài đó phải có khả năng đánh giá chính xác tỉ lệ giới tính trong ao, hồ của chúng. Cá lia thia không thể làm tính, làm sao chúng có thể tính được tỉ lệ giới tính ? Chẳng có gì là khó cả. Chúng ta có thể đoán được là con trống sẽ luôn tìm những con mái to, khỏe và cá mái thì luôn tìm con đực to khỏe vì con con mái to thì đẻ nhiều trứng và con đực to sẽ có khả năng bảo vệ tổ.

Nếu con cá mái gặp toàn những con đực nhỏ con trong vùng, ả sẽ "đoán" là quần thể đang gặp tình trạng thiếu trống. Nếu sau khi giao phối với một trong những chàng đẹt đó, cô nàng đẻ ra nhiều cá trống thì cô nàng sẽ để lại nhiều hậu duệ trong các thế hệ tương lai hơn là nếu nàng ta cho ra tỉ lệ nam nữ bằng nhau. Tương tự như vậy, nếu một con cá mái nhỏ cặp với con trống ghồ ghề, nó sẽ "đoán" là trong khu vùng thiếu cá mái và để tương ứng sẽ tạo ra tỉ lệ cá mái cao hơn.

Nếu cá lia thia có khả năng sinh học để điều chỉnh tỉ lệ giới tính, chúng sẽ chỉ cần căn cứ vào kích thước của bạn tình để điều chỉnh. Chúng có làm vậy hay không? Để trả lời câu hỏi như vậy, ta hãy làm một thí nghiệm đơn giản. Trong trường hợp này, ta có thể giả dụ là cá trống nhỏ + cá mái lớn cho ra nhiều trống, mái nhỏ + trống lớn cho ra nhiều mái, và hai bên có kích thước xấp xỉ sẽ cho ra tỉ lệ 1:1. Chúng ta sẽ chỉ cần xác định tỉ lệ giới tính của ít nhất là 10 bầy lớn (khoảng > 100 con) của các cặp trống/mái có sự chênh lệch tối đa và tương đương về kích thước. Tốt nhất là dùng những còn cùng một dòng. Bạn có thể làm được trong vòng một năm với 50 hồ và vài ngàn cái hủ cá!

Trước khi bắt tay vào kế hoạch như thế, luôn thận trọng xem kỹ các tài liệu khoa học về vấn đề này. Cho đến thời gian gần đây, công việc này đòi hỏi tốn khá nhiều thời gian tìm tòi trong các thư viện đại học chỉ để hiểu sơ vấn đề. Tuy nhiên, Hiệp Hội Cá Betta Quốc Tế IBC (viết tắt Internation Betta Congress) đã giản tiện hóa việc này rất nhiều. Thư mục tóm tắt các bài viết khoa học về dòng họ cá Lia Thia từ năm 1969-2004 có thể tải xuống từ trang của IBC:

www.ibcbettas.org/ResGrants.htm

Nghiên cứu kỹ những tài liệu này sẽ cho thấy câu hỏi của chúng ta đã được hỏi và trả lời từ trước bởi giáo sư Gene Lucas. Ông đã cho ép một số lượng lớn cá lia thia và ghi chép cẩn thận kích thước của cá bố mẹ và tỉ lệ giới tính của đàn cá. Đây một phần của luận án tiến sĩ của Gene. IBC cũng có mục lục của các bài viết của Gene trên tờ Freshwater and Marine Aquarium (tức FAMA) từ năm 1978 tới năm 2001 mà chúng ta cũng có thể tải về từ địa chỉ internet ở trên.

Câu trả lời cho câu hỏi mà chúng ta đặt ra có thể tìm thấy trong một bảng tóm tắt trong số tháng 2, 1979 của tờ FAMA. Gene tổng kết "cá trống non ghép với mái già cho lợi thế 34:2 thiên về trống. Cá trống già ghép với mái tơ cho ra tỉ lệ 5:12." Kết quả của Gene, do đó, có thể phỏng đoán chính xác những gì xảy ra nếu cá lia thia có thể điều chỉnh tỉ lệ giới tính của đàn cá con.

Trong khi những dữ liệu của Gene về tính uyển chuyển của giới tính trong đàn cá lia thia là những gì mà luật tiến hóa cũng phỏng đoán. Việc đó cũng không loại bỏ các yếu tố khác cũng ảnh hưởng tỉ lệ giới tính. Đây là bài học tốt cho ai ép cá để bán và dân chơi cá cảnh. Nếu bạn là người ép cá bán, bạn có thể hy vọng có nhiều cá trống để bán bằng cách ép trống non với mái già. Và đối với dân chơi cá kiểng nếu đang muốn tạo ra hay duy trì một dòng cá, nên cẩn thận khi lai ngược cá mẹ với cá con vì sẽ cho ra ít cá mái con để chọn lọc tiếp. Và điều ngược lại nếu ép cá cha với cá con. Nguyên tắc của tiến hóa bắt nhà lai tạo cá phải làm cả hai cách (ép bố với con và mẹ với con) hoặc anh em với nhau để có đủ cá trống mái mà lựa chọn giống cho thế hệ sau.

Lời bàn: Việc dùng trống non, mái già để tạo ra nhiều cá trống đã được nhắc tới nhiều trên các diễn đàn cá của Việt Nam và Quốc Tế. Mình nhớ hồi nhỏ hỏi mấy người bán cá họ cũng chỉ như vậy. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng ra được như trên. Rồi có những trường hợp có những dòng cá mái cho ra liên tục hai ba thế hệ nhiều cá đực con bất kể cá cha già hay non. Bà Victoria Parnell cũng có một dòng cá như vậy trong bài cá Muối Tiêu Nền Nhạt. Bài viết của ông giáo sư Leo Buss cũng không nói rõ trường hợp tuổi cá chênh lệch nhưng kích thước lại tỉ lệ nghịch với tuổi thì có ảnh hưởng thế nào đến giới tính cá con. Bạn nào có kinh nghiệm bản thân về tỉ lệ cá trống mái, xin hãy chia xẻ.

Bài viết cùng thể loại:

Làm thế nàođể đạt hiệu quả cao khi ép cá
Cách ép và chăm sóc cá bột betta đơn giản mà hiệu quả nhất

Giới thiệu một cách cho ép cá betta

Ép cá bét ta những vấn đề gặp phải

Chọn cá betta giống cho sinh sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét