Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Sinh sản ở cá betta: các bất thường và cách xử lý

Tôi nghĩ có lẽ những câu hỏi phổ biến nhất về cá betta, ít ra với những ai đang ép cá, là về cách mà cá “cha mẹ” hành xử. Điều này bao gồm từ cách cho cá đẻ, và nếu thành công, đến những gì xảy ra trước, trong và sau khi sinh sản. Tôi nhận thấy chúng cũng là những câu được trả lời nhiều nhất, nhưng tôi không nhớ rằng mình đã từng viết riêng bài nào về đề tài này hay chưa. Bởi vì tôi đã từng ép trên mười một ngàn bầy cá trong hơn 40 năm qua nên tôi có lẽ đã “thấy đủ mọi thứ” và do đó tôi có thể cung cấp cho các bạn một số thông tin hữu ích.


Bởi vì, đây là chủ đề bàn về những bất thường xảy ra trong một quá trình, nên có lẽ hãy bắt đầu bằng việc ôn lại vắn tắt những gì gọi là bình thường; đó là, những điều xảy ra, hay sẽ xảy ra khi mọi thứ đi đúng hướng. Tôi khẳng định rằng cá betta là một trong số những loài cá cảnh dễ lai tạo nhất và hy vọng rằng lập luận của tôi sẽ có tính thuyết phục. Trước tiên, tôi sẽ mô tả cách bố trí hồ và những hành vi điển hình ở cá betta.

Hồ ép
Hầu hết những nhà lai tạo kinh nghiệm đều sử dụng hồ có dung tích khoảng 40 lít mặc dù cá vẫn sinh sản trong hồ có kích thước nhỏ hơn hay lớn hơn rất nhiều. Mực nước thường được để khoảng 14 cm, vì điều này dường như thích hợp cho nhà lai tạo hơn là với cá. Xin nhắc lại rằng cá sẽ sinh sản ở bất kỳ mực nước nào trên 2.5 cm. Chúng dường như không đòi hỏi những điều kiện nước đặc biệt chẳng hạn như độ pH và độ cứng, chỉ cần nước ngọt, sạch sẽ là cũng đủ kích thích chúng sinh sản rồi. Nhiệt độ khoảng 27 độ C dường như là nhiệt độ tối ưu dựa trên các báo cáo thử nghiệm cách nay nhiều năm, theo đó việc xây tổ bọt diễn ra nhộn nhịp nhất ở nhiệt độ này và suy giảm nhanh chóng khi chênh lệch từ 3 đến 4 độ cao hoặc thấp hơn. Xin nhắc lại rằng cá betta dường như không quan tâm đến điều này lắm và có thể tự điều chỉnh, chúng có thế sinh sản ở nhiệt độ chênh lệch lớn hơn.

Hồ có thể thả rong hay để trống, đáy có thể trải sỏi hay để trống, và chiếu sáng hay để mờ mờ cũng được. Thường thì loại rong có một ít lá nổi bên trên hay vật thể nhân tạo như nửa chiếc ly xốp có thể được thả vào bởi vì chúng kích thích cá nhả bọt. Cá betta đực vẫn xây tổ bọt thậm chí khi không có những thứ đó, bằng chứng là chúng nhả bọt một cách thường xuyên ngay cả khi đang được nuôi trong lọ. Cá đực được thả vào hồ trước mặc dù có vài nhà lai tạo thả cả cặp cùng một lúc. Thời gian ép có thể kéo dài từ một hai, giờ cho đến nhiều ngày.

Hành vi sinh sản bình thường
Cá đực lựa chọn vị trí, thường là bên dưới các vật liệu nổi, kế bên máy lọc hay đầu nhiệt, trong góc, hay ít ra cũng ở bên thành hồ. Giả sử rằng cặp cá đã thành thục và sắp sửa sinh sản, cá đực sẽ xây tổ bọt và bơi vào bơi ra giữa tổ bọt và cá cái, nó giương vây, phùng mang để phô bày sự lộng lẫy và quyến rũ của mình với cá cái. Cá cái sau cùng sẽ theo cá đực vào tổ, nơi mà chúng nhanh chóng mơn trớn và quấn lấy nhau. Cá cái thường lật ngửa trong khi đầu và đuôi cá đực quấn lấy nó. Vị trí này có lẽ khiến bộ phận sinh dục của chúng ở sát nhau để trứng và tinh trùng tiếp xúc với nhau trong nước, và cự ly gần làm gia tăng khả năng thụ tinh.

Lúc đầu không có cái trứng nào xuất hiện, sau đó có vài trứng và trong giai đoạn cao trào của quá trình ép, có thể lên đến 30 trứng hay nhiều hơn xuất hiện sau mỗi lần ép. Sau mỗi lần, cá đực bận rộn nhặt trứng rơi xuống dưới đáy, ngậm vào miệng và nhả lên tổ bọt kèm theo rất nhiều bọt trong khi cá cái nằm đờ đẫn bất động. Cử động “ép” được lập lại sau mỗi vài phút và kéo dài đến vài giờ. Khi quá trình ép gần kết thúc, chỉ có vài trứng xuất hiện và rồi chấm dứt hẳn.

Cá đực sau đó bắt đầu bận rộn chăm sóc tổ, nhả thêm bọt và thay bọt mới cho trứng. Cá cái nép vào một góc hồ. Cá đực trở nên rất hung dữ và dạo quanh để xua đuổi những kẻ thâm nhập, kể cả cá cái. Cá cái nên được bắt ra khỏi hồ nếu không nó có thể bị cắn thương tích hay bị thậm chí bị chết. Trứng phát triển rất nhanh, trứng nở sau đó một vài ngày. Cá bột chưa hoàn toàn phát triển và nếu nó nhúc nhích ra xa khỏi tổ thì không thể tự quay trở lại được. Cá đực tiếp tục thu thập và nhả chúng về tổ, thêm vào rất nhiều bọt. Sau vài ngày nữa, nhiệm vụ của nó coi như đã hoàn thành khi cá con bắt đầu bơi tự do, tốt nhất là nên vớt nó ra để dưỡng lại.

Các hành vi bất thường ở cá cha mẹ
Một loạt các hành vi bất thường ở cá cha mẹ có thể diễn ra từ lúc bắt đầu cho đến giai đoạn sau đó. Tôi sẽ liệt kê và mô tả chi tiết từng hành vi cũng như cách khắc phục:

1. Cá đực không nhả bọt và nếu có thì nó lại không nhả bọt ngay bên dưới ly xốp.

2. Cá đực dường như không thèm quan tâm đến cá cái.

3. Cá đực tấn công cá cái một cách hung dữ làm cá cái bị thương nghiêm trọng hoặc chết.

4. Cả hai đá nhau như cá hai con cá đực và có con vị thương nghiêm trọng hoặc chết.

5. Cặp cá dường như không biết cách cuộn mình vào nhau.

6. Trong quá trình ép, cá cái ăn trứng ngay lập tức ngay khi vừa đẻ xong.

7. Cá đực không chăm sóc tổ, trứng hay cá con.

8. Cá đực có thể ăn cá bột, ngay trong giai đoạn ấu trùng hay sau khi cá bột bắt đầu bơi tự do.

9. Cá đực, cá cái hay cả hai có thể suy sụp sau khi ép. Đôi khi chúng bỏ ăn, mất sức hay thậm chí bị chết.

Tôi tin rằng đấy là những điều được coi là “bất thường” đối với nhà lai tạo cá betta. Hiển nhiên, những con cá như vậy không có hành vi thích đáng và nên được xem là có tật. Mặc dù, một số trường hợp ở trên có thể còn sót lại một ít cá bột nhưng kết quả nhìn chung là không thành công. Vậy cần phải làm gì để khắc phục những trục trặc này? Có cách nào để phòng tránh hay không? Câu trả lời là có, có thể áp dụng một số cách và chúng đem lại thành công. Tôi sẽ mô tả và bình luận từng trường hợp một theo thứ tự liệt kê ở trên.

1. Việc xây tổ bọt dường như là một trong số các chuỗi phản ứng đối với những tín hiệu thể chất hay tâm lý nhất định. Một số tương tự hay gần như tương tự với những loài khác. Một số lặp lại những điều xảy ra ngoài môi trường tự nhiên. Thay nước hay thay đổi nhiệt độ (trong giới hạn cho phép) thường kích thích sự sinh sản. Bởi vì việc xây tổ báo hiệu sự sinh sản, nên việc tái lập điều kiện này có thể kích thích sinh sản. Hầu hết các nhà lai tạo đều bố trí hồ ép bằng nước mới (đã để hả). Cá betta đực nào nhả bọt lại sau khi thay nước sẽ sinh sản mau chóng. Thường thì đúng như vậy.

Cá betta dường như thích nhả bọt bên dưới lá cây hay những vật liệu nổi khác, vì thế việc thả rong hay các vật nổi vào hồ ép thường kích thích việc này. Nghiên cứu chỉ ra rằng chúng thích màu xanh lục nhạt, màu hanh vàng, hay trắng hơn những màu khác và những vật thể có tiết diện khoảng 35-40 cm2. Kích thước những vật thể được chọn dường như nhỏ hay lớn con số trên. Hầu hết những nhà lai tạo hiện đại trên khắp thế giới đều sử dụng ly xốp nhỏ được cắt dọc. Ly nổi úp xuống và có lẽ trong 95% trường hợp cá đực sẽ nhả bọt bên dưới. Một tấm nhựa phẳng cũng có thể được dùng hay có người còn sử dụng một mảnh giá đựng trứng. Một mảng tổ bọt của cá đực khác (lấy từ lọ khác) cũng có thể sử dụng được. Điều cốt yếu ở đây đó là rong hay những vật thể nhân tạo như thế này trong hồ có thể dẫn dụ cá đực nhả bọt.

Việc bố trí cá đực ở nơi thấy được cá cái, ngay cả khi cá cái được cách ly trong lọ hay bởi tấm ngăn, cũng thường kích thích cá đực nhả bọt. Một mẹo khác đôi khi cũng thành công đó là thả lọ nuôi cá đực khác vào hồ hay bố trí lọ bên ngoài hồ sao cho cá có thể nhìn thấy. Việc xây tổ bọt dường như cũng là một hành vi thể hiện sự bảo vệ lãnh thổ hay cạnh tranh với cá đực khác. Tần suất xây tổ trong lọ có lẽ cũng góp phần vào việc này cùng với việc thay nước.

2. Cá đực mà không chú ý đến cá cái là điều rất lạ. Một số không ở tình trạng sức khỏe tốt. Nếu nó vừa mới ép gần đây hay từng ép vài lần trước đó thì nó có thể bị kiệt sức. Những con khác có thể đã quá già (tôi không nghĩ cá quá non lại là vấn đề… tôi từng cho cá ép ở 7 tuần tuổi!). Một số cá đực, đặc biệt là ở một số dòng cá, dường như khả năng sinh sản yếu hơn những dòng khác. Điều này đa phần liên quan đến những nỗ lực lai tạo cá ít hung dữ hơn. Sau cùng, một vài cá đực dường như thích cá cái này hơn là cá cái khác.

Điều đầu tiên mà tôi đoán chắc đó là cá khỏe mạnh và có tình trạng sức khỏe tốt. Nếu chúng có kích thước bình thường, linh hoạt và phản ứng với cá khác, màu đẹp và vây không bị tóp, chúng có lẽ ở tình trạng sức khỏe đủ tốt. Cá betta có vòng đời ngắn và điều kiện sinh sản thích hợp ở từ hai, ba tháng tuổi đến dưới một năm. Hầu hết cá suy giảm khả năng sinh sản khi đạt độ tuổi ấy và không có giải pháp nào dành cho cá betta lão hóa.

Cá đực uể oải có thể được “thúc đẩy” thông qua huấn luyện. Đặt con cá đực kế những con khác, theo hàng hay nhóm, để làm nó xung lên. Kè nó với con cá thật hung dữ và luôn xung có thể khiến nó bị kích thích. Kè nó với nhiều con cá mái khác cũng có thể có tác dụng. Lặp lại việc này trong nhiều ngày để giúp cá xung trở lại.

Sự thích thú thể hiện với con cá cái này hơn là với con cá cái khác có thể nói rất “nhân tính”. Nhà lai tạo betta có rất nhiều cá và có thể hoán đổi lẫn nhau. Sử dụng cá cái khác… hay thậm chí cá đực khác ghép cặp với con cá cái đầu tiên. Tôi luôn trữ vài con đực và cái của mỗi loại để dùng vào những việc như vậy. Với những nhà lai tạo bình thường, những người vốn không có nhiều cá giống, cách này rõ ràng không thể áp dụng được nhưng ngay cả những nhà lai tạo hạng nhất, không phải lúc nào cũng có thể cho cặp cá mà họ muốn sinh sản. Nếu bạn chỉ muốn cá sinh sản và bỏ qua mọi yếu tố, hãy thay bằng con cá cái khác.

3. Thông thường, cá betta đực sẽ tấn công cá cái dữ dội vì một trong hai nguyên nhân sau đây. Cá cái có thể chưa chịu đực và nó phải gia tăng mức độ hung dữ để cố ép (thay vì dẫn dụ) cá cái vào tổ của mình. Càng tấn công dữ dội thì cá cái càng hoảng sợ và ít có khả năng nó sẽ chịu ép. Đôi khi, rút cuộc nó ưng thuận và việc sinh sản sẽ xảy ra, mặc dù nó bị cắn ít nhiều sau sự kiện đó (phải chăng đấy là cuộc đấu kinh điển?). Nếu đó là con cá cái quan trọng và có giá trị, tôi sẽ bắt nó ra thay vì đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Rồi tôi sẽ thay một con hay cả cặp và cố ép lần nữa.

Nguyên nhân khác có lẽ là vì chúng đã ép xong rồi và không ai chứng kiến việc đó. Chúng đôi khi sinh sản chỉ vài giờ sau khi được thả chung. Sau khi sinh sản, hầu hết cá đực thay đổi từ người tình thành người bảo vệ và hiển nhiên, hầu hết chúng đều là những nhà bảo vệ tích cực. Cá cái từ bạn tình biến thành kẻ xâm nhập và nó sẽ bị đối xử như vậy. Cá cái có thể nhảy lên và dính vào thành hồ hay nằm trên những vật thể như ly xốp. Đấy là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nó cố tẩu thoát và cá đực không muốn thấy nó xuất hiện gần đó nữa. Cá đực cũng luôn ở gần tổ để chăm sóc. Trứng nằm lẫn trong tổ bọt và mọi người không thấy chúng, vì thế nếu bạn không thấy trứng không có nghĩa rằng chúng không có ở đó. Cá đực đôi khi đi tuần một vòng xung quanh hồ kiếng và sẽ tấn công mọi thứ mà nó không thích.

Cá cái vừa bị tấn công rất dễ nhận biết. Vây chúng tưa và rách, và đôi khi còn mất những mảng vảy. Chúng thường có màu nhợt nhạt và ở một số loại màu, sọc dưa xuất hiện. Chúng sẽ lẩn tránh một cách sợ sệt khi cá đực đến gần. Không cần nói cũng biết rằng chúng phải được bắt ra ngay lập tức bằng không sẽ bị cắn chết.

4. Nếu cá cái đá với cá đực, cần phải ngưng việc ép cá lại ngay lập tức. Cá cái mà đá với cá đực là bất thường và hậu quả là điều mà nhà lai tạo không thể đoán trước được. Có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nguyên nhân khả dĩ nhất đó là cặp cá không bình thường. Một vài cá cái có vây dài bị nhận lầm thành cá đực hay cá đực đuôi ngắn bị nhận lầm thành cá cái. Bất cứ khi nào hai cá thể cùng giới thả chung với nhau đều có xu hướng đá nhau, ngay cả với hai con cá cái. Mà nếu đem ép hai con cùng giới thì không thể thành công được. Tôi cho rằng nếu ép cá đực nhỏ con với cá cái to lớn thì có thể dẫn đến đá nhau nhưng hầu hết nhà lai tạo sẽ không để chênh lệch quá nhiều khiến điều này xảy ra.

Thường điều này xảy ra do sai sót khi xác định giới tính. Việc kiểm tra kỹ lưỡng có thể xác định được giới tính của cá. Những con cá betta cái già rất hay biến đổi giới tính. Khi điều đó xảy ra, một số con còn sản xuất cả tinh trùng và do đó trở thành cha của những bầy con khác. Tôi sẽ không lý giải chi tiết làm sao mà điều này có thể xảy ra ở đây nhưng nó là có thật, và thậm chí còn được kiểm nghiệm bằng phương pháp giải phẫu. Cá cái chuyển giới thành cá đực thường có vây dài (ít ra là ở dòng vây dài) và biến đổi về hành vi chẳng hạn như hung dữ hơn. Giải pháp ở đây là ngăn chặn mọi xung đột và chắc chắn rằng bạn xác định đúng giới tính của cá trước khi đem ép.

5. Mặc dù cặp cá có vẻ không thể cuốn lấy nhau một cách cần thiết, đây có lẽ không phải là vấn đề. Tôi không tin rằng cá đực thực sự chạm vào trứng khi nó cuộn người xung quanh cá cái mà hầu như bộ phận sinh dục của chúng kề sát vào nhau để trứng và tinh trùng tiếp xúc với nhau khi thoát ra. Tôi nghi ngờ cấu tạo cơ thể cá sẽ cho phép tạo ra áp lực mạnh. Việc để bộ phận sinh dục gần nhau cho phép gia tăng tỷ lệ trứng thụ tinh nhưng tôi nghi ngờ tính cần thiết của nó.

Tôi đoán rằng ít ra một số cá đực thiếu kinh nghiệm không biết ép nhưng chúng có thể làm đúng cách sau vài lần thử. Tôi tin rằng có đủ tinh trùng sống sót trong nước khi cá ép để thụ tinh cho tất cả trứng một khi chúng được đặt lên tổ bọt. Trứng nằm dưới đáy có lẽ sẽ không nở vì không được thụ tinh hay vì những lý do khác. Ở mọi góc độ, tôi nghĩ rằng hiện tượng này thực sự không có vấn đề gì.

6. Tôi không hiểu tại sao cá cái lại ăn chính trứng của chúng nhưng một số con làm vậy và bạn sẽ nghĩ rằng chúng thực sự cảm thấy ngon miệng. Có những con luôn làm vậy dù được cho ăn đầy đủ và cho ăn cả trong khi sinh sản, điều mà chúng ta thường không phải làm. Có lẽ cá cái được nuôi dưỡng tốt trở nên háu ăn và luôn tìm kiếm những thứ ngon miệng! Tôi có xu hướng cho rằng vấn đề nằm ở chỗ cá đực chậm chạp. Thông thường, cá cái hầu như nằm bất động “đờ đẫn” sau khi ép trong khi cá đực bận rộn thu thập trứng và nhả lên tổ bọt. Nếu nó chậm chạp và cá cái tỉnh lại trong khi tất cả trứng hãy còn nằm ở đó thì cá cái có thể ăn trứng.

Cá đực chậm chạp và cá cái ăn trứng là những con cá vô dụng. Tôi thường thử ép chúng vào lần sau hay chọn cặp cá khác. Cũng có thể hút một số trứng từ những cặp như vậy và đem ấp “nhân tạo”, nghĩa là lấy ra khỏi hồ ép và không cần cá cha mẹ chăm sóc. Tôi hầu như luôn thành công. Tôi thả trứng vào nước có độ sâu khoảng 1 cm, đặt một nhánh rong vào đó cùng với một thìa tổ bọt. Đấy là để cung cấp tinh trùng (đoán vậy) nhằm thụ tinh cho những trứng chưa đậu và làm nơi trú ngụ cho cá bột mới nở cho đến khi chúng bơi tự do được. Ở đó cũng có trùng cỏ, loại thức ăn dành cho cá bột mới nở.

7. Việc một số cá đực không thể duy trì được tổ bọt của mình hay chăm sóc cá bột dường như hơi kỳ lạ bởi vì chúng hầu như sinh sản một cách bình thường và có lẽ còn chăm sóc trứng trong vài ngày. Tôi chỉ biết như vậy nhưng cũng xin đưa vài ý kiến lý giải cho việc này. Tôi đoán điều này xảy ra khi bầy cá thật lớn, nghĩa là có rất nhiều cá con phải chăm sóc. Có lần tôi thu được 577 con từ một bầy cá và theo tôi biết, một con cá cái kích thước trung bình có thể đẻ tới cả ngàn trứng vì vậy cá đực cần phải có sức.

Một khi cá bột nở và bắt đầu nhúc nhích khỏi ổ bọt, chúng rơi như “mưa” xuống bên dưới và cá đực dồn hết sức để bắt và nhả chúng lên lại tổ bọt. Đây là công việc không có giải lao và kéo dài khoảng 48 giờ liên tục. Trong thời gian này, tổ bọt dãn ra và có khi phủ đến một nửa (hay hơn) diện tích mặt nước trong hồ có dung tích 40 lít. Nỗ lực như thế này có thể so sánh với một người dồn đống hay cào đồng cỏ rộng 4.000 m2 một cách liên tục trong khoảng thời gian tương đương. Tôi không ngạc nhiên nếu công việc này trở nên rất nhàm chán.

Tương tự như vậy, cá có thể bỏ cuộc. Hãy tưởng tượng bao nhiêu sức lực phải bỏ ra, đặc biệt là khi nó không ăn uống gì vào lúc này. Để dễ hình dung, tôi tính xem có bao nhiêu lần cá đực phải bắt và thả cá betta bột lên tổ trong hai ngày đầu khi cá mới nở. Nếu có khoảng 300 cá con và mỗi con rơi xuống sau mỗi nửa tiếng, thì có tổng cộng 300 x 2 x 48 = 28.800 lần! Dĩ nhiên, giả thiết này có thể không hoàn toàn chính xác nhưng khá hợp lý. Có thể cá được nghỉ ngơi chút ít vào ban đêm khi trời tối. Cá đực có thể bắt nhiều con một lúc. Có thể cá bột không rơi thường xuyên đến như vậy. Nhưng dẫu sao thì đây cũng là một nỗ lực to lớn đối với cá cha. Tôi không ngạc nhiên khi có con bỏ cuộc.

8. Cá đực không hay ăn cá bột. Nhiều ghi nhận về những bầy cá mà cá con lớn lên trong hồ cùng với một hay cả cặp cha mẹ. Rõ ràng, ngoài tự nhiên chúng không hề bị ngăn cách. Dẫu sao, điều này đôi khi xảy ra trong hồ nuôi. Trong trường hợp giống như tôi đã viết ở đoạn trên, người ta đoán chúng làm thế bởi vì hốt hoảng. Có lẽ chúng cũng đói nữa. Có lẽ đó là sự kết hợp của những nguyên nhân này và cả những nguyên nhân khác nữa. Nhưng dù là nguyên nhân nào thì cũng không thể dự đoán trước được vì thế tôi khuyên các bạn nên cố quan sát cá đực, đặc biệt là những con chăm sóc những bầy lớn, và bắt chúng ra nếu thấy chúng bắt đầu ăn cá bột.

9. Tôi biết rằng cá cha mẹ sẽ xuống sức sau khi ép, cho dù chúng có mạnh khỏe đến thế nào trước đó. Nên nhớ rằng, cá cái đẻ rất nhiều trứng và cá đực cũng xuất ra lượng chất tương đương dưới dạng chất lỏng (chứa tinh trùng) và nước bọt để xây tổ. Chúng hoạt động thể chất liên tục nhiều giờ trong quá trình sinh sản. Không có gì ngạc nhiên khi chúng bị xuống sức. Sẽ rất ngạc nhiên nếu sau khi ép mà chúng vẫn khỏe mạnh như trước. Nhiều con có thể ép nữa sau vài tuần. Tôi nghĩ cá cái có thể tái sinh sản thường xuyên hơn so với cá đực, có lẽ bởi vì chúng đã có sẵn trứng dự trữ từ trước và chúng cũng không phải bỏ sức chăm sóc cá bột. Tôi khuyên rằng nên để cá đực và cá cái có nhiều thời gian hơn để phục hồi… nhiều tuần nếu có thể. Luôn đảm bảo rằng chúng ở trong tình trạng thể lực tốt để ép bầy mới cho dù cá thường có hành động thể hiện sự sẵn sàng trước đó.

Thảo luận
Thực trạng đáng buồn về những trục trặc trong vấn đề sinh sản như thế này là vì một số nguyên nhân cố hữu, thường liên quan đến cá cha mẹ (và bầy cá con) mà người ta khao khát thu được. Chúng liên quan đến một số cá thể xuất sắc hay liên quan đến dòng cá đang thử nghiệm hay dòng cá đang phát triển. Với những người mới lần đầu ép cá, tôi xin nói thêm rằng mọi người đều cảm thấy khó khăn lúc ban đầu. Cá betta là một trong những loài đẻ trứng dễ dàng nhất và rồi bất ngờ bạn thành công, nếu bạn tiếp thục theo đuổi, bạn sẽ thấy mọi thứ đều trở thành công thức.

Hãy kiên nhẫn. Sau vài lần thử bạn sẽ thành công. Đa số bầy ép đều không gặp phải những vấn đề mà tôi tóm lược ở đây. Tôi tin rằng sau vài lần thử bạn sẽ phát hiện ra rằng mình có thể ép cá betta như “những cao thủ” và bạn sẽ không gặp phải bất kỳ hành vi bất thường nào. Chúc may mắn!

Bài viết cùng thể loại:

Làm thế nàođể đạt hiệu quả cao khi ép cá
Cách ép và chăm sóc cá bột betta đơn giản mà hiệu quả nhất

Giới thiệu một cách cho ép cá betta

Ép cá bét ta những vấn đề gặp phải

Chọn cá betta giống cho sinh sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét