Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Màu sắc: định nghĩa và di truyền

Màu ở cá betta hình thành dựa trên sắc tố nằm bên trong các tế bào sắc tố. Những tế bào này nằm ở các lớp khác nhau bên trong da. Có 4 lớp màu cơ bản ở cá betta và các tế bào sắc tố tương ứng. Ở cá betta hoang dã, các lớp màu này như sau: 1-ánh kim (lớp ngoài cùng), 2-đỏ, 3-đen, 4-vàng (lớp trong cùng).

Ở cá betta thuần dưỡng, các lớp màu này hơi khác so với cá betta hoang dã:

1. Ánh kim (lớp ngoài cùng):
Lớp này còn được gọi là lớp màu xanh và quyết định độ đậm nhạt của sắc tố xanh. Lớp này bao gồm những tế bào xanh dương/xanh lá iridophore (hay còn gọi là guanophore), nó bao gồm những gen sau đây:
- Ánh kim
- Ánh kim toàn thân
- Không có màu xanh (non-blue)


2. Đen:
Lớp này là những tế bào sắc tố đen melanophore. Nó gồm những gen sau đây:
- Cambodian
- Blond/Sáng
- Melano

3. Đỏ
Lớp này là những tế bào sắc tố đỏ erythrophore. Nó gồm những gen sau đây:
- Đỏ toàn thân
- Đỏ một phần
- Mất màu đỏ (red loss)
- Vây loang lổ

4. Vàng (lớp trong cùng)
Lớp này là những tế bào sắc tố vàng xanthophore. Hiện nay vẫn chưa xác định được gen điều khiển màu vàng:
- Không có màu đỏ, đen và ánh kim

Mỗi lớp màu đều có những đặc điểm di truyền riêng mà chúng được xác định bởi sự kết hợp của nhiều gen tạo nên màu sắc ở cá betta. Những gen này làm tăng hay giảm lượng tế bào sắc tố ở những lớp màu. Sau đây, tôi sẽ giải thích về những đặc điểm màu sắc này.

Màu ánh kim: gồm xanh ngọc (turquoise), xanh thép (steel) và xanh dương (royal)
Màu xanh ngọc (turquoise), xanh thép (steel) và xanh dương là những loại màu ánh kim. Màu ánh kim nằm ở lớp ngoài cùng của cá betta và được tạo thành bởi tế bào ánh kim iridophore. Khi tồn tại với mật độ cao, nó che phủ các lớp màu bên trong. Màu nguyên thuỷ ở cá betta hoang dã là màu xanh ngọc/xanh lục. Đây là màu ánh kim bình thường (ký hiệu gen là “sisi”) bao gồm những tia xanh ở vây và vô số đốm ánh kim dọc theo thân.

Lai tuyển chọn tạo ra gen đột biến dẫn đến màu ánh kim lan ra toàn thân (ký hiệu gen là “SiSi”). Gen Si làm tăng mật độ và phân bố của màu ánh kim ra toàn thân và vây của cá betta (ngoại trừ phần đầu). Gen ánh kim toàn thân là gen trội so với gen ánh kim bình thường (ở cá hoang dã).

Xanh ngọc
Cách định nghĩa màu này tốt nhất đó là nó nằm giữa màu xanh dương và xanh lá cây.

Xanh thép
Loại màu xanh dương hơi sáng và xám.

Xanh dương
Màu đậm nhất trong số các loại màu ánh kim và đôi khi trông hơi tím.
Từ trái sang phải: halfmoon xanh ngọc, halfmoon xanh thép và halfmoon xanh dương.
 Cấu trúc gen
Màu xanh ngọc được ký hiệu là: BlBl
Màu xanh thép được ký hiệu là: blbl
Màu xanh dương được ký hiệu là: Blbl

Màu xanh ngọc và xanh thép không lấn át nhau. Khi kết hợp với nhau, chúng tạo ra màu mới: màu xanh dương. Kiểu di truyền này gọi là trội một phần.

Xanh ngọc x xanh ngọc = 100% xanh ngọc

Xanh thép x xanh thép = 100% xanh thép
 
Xanh dương x xanh dương = 25% xanh ngọc, 50% xanh dương và 25% xanh thép

Xanh ngọc x xanh dương = 50% xanh ngọc và 50% xanh dương (kết quả tương tự với xanh thép x xanh dương)

 Xanh ngọc x xanh thép = 100% xanh dương

 Gen không có màu xanh
Cho đến nay, chưa loại gen nào làm biết mất hoàn toàn màu xanh được phát hiện. Bởi vì nhiều nhà lai tạo trưng bày cá betta không còn chút màu xanh nào, cho nên về mặt lý thuyết, loại gen này tồn tại. Tuy nhiên, trường hợp blbl (xanh thép) lai với sisi (ánh kim bình thường) thì màu xanh còn lại rất ít, chỉ hơi ánh bạc. Cá betta với bề ngoài như vậy có lẽ không được xếp vào loại có màu xanh thực sự.

Màu Cambodian
Ví dụ tiêu biểu về màu cambodian là loại cá vây màu đỏ còn thân có màu thịt (ngoài ra còn có loại cambodian xanh). Gen cambodian làm cho cá có màu trên vây, không có hay có rất ít màu trên thân. Gen này là gen lặn.
Từ trái sang phải: cambodian đuôi kép và cambodian bướm (butterfly) đuôi delta.
 ấu trúc gen
Cá cambodian được ký hiệu là cc
Cá Betta thường được ký hiệu là CC
Cá mang gen cambodian ký hiệu là Cc

Cambodian x cá thường = 100% cá mang gen cambodian

Cá mang gen cambodian x cá mang gen cambodian = 25% cambodian, 50% mang gen cambodian và 25% betta thường.
Cambodian x cá mang gen cambodian = 50% cambodian và 50% mang gen cambodian.

 Cambodian x cambodian = 100% cambodian

Màu Blond/Sáng
Gen blond làm giảm mật độ sắc tố đen trên thân cá betta (nó nằm giữa màu cambodian và màu đen). Gen đột biến blond hạn chế màu đen. Một số màu như phấn (pastel), vàng và opaque luôn liên quan đến gen này. Nhưng nó cũng hiện diện ở những màu khác như đen, xanh thép và đỏ
Halfmoon blond đỏ.
(Hai hình đầu) halfmoon melano và (hình cuối) halfmoom xanh thép (mang gen melano).
 Cấu trúc gen
Màu melano được ký hiệu là mm
Màu đen ở cá betta bình thường được ký hiệu là MM
Cá mang gen melano được ký hiệu là Mm

Gen melano đột biến là gen lặn so với gen màu đen ở cá betta bình thường. Điều này có nghĩa khi lai cá betta đen với cá betta bình thường (vốn không mang gen melano) thì tạo ra bầy cá con có nhiều màu. Cá con tuy mang gen melano nhưng trông không khác gì so với cá nhiều màu bình thường. Đặc điểm lặn này sẽ xuất hiện trong bầy cá con khi chúng ta lai cặp cá bố mẹ có mang gen melano với nhau.

Lớp tế bào melanophore ở dòng đen melano rất khác biệt với dòng đen viền (black lace) và cá hoang. Chúng rất dày và khít nên tạo ra màu đen tuyền. Đen melano có rất nhiều đốm trên vây khiến chúng sậm màu, chúng thực sự là một “khối” đen. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy tế bào sắc tố đen có những protein liên kết đặc biệt. Có giả thuyết cho rằng protein này gây ra sự vô sinh ở cá melano mái. Cá melano mái vẫn đẻ trứng như những con cá mái bình thường khác, nhưng có điều gì đó xảy ra trong quá trình trứng nở làm trứng bị hỏng.

Màu melano x màu bình thường = 100% mang gen melano.

Màu melano x cá mang gen melano = 50% màu melano và 50% mang gen melano.

Cá mang gen melano x cá mang gen melano = 25% màu melano, 50% mang gen melano và 25% bình thường.

Màu melano x màu melano = 100% màu melano.

Bởi vì tất cả cá mái melano (mm) đều bị vô sinh nên cá mái xanh được thay thế để lai với cá melano đực. Cá mái xanh thép được ưa chuộng nhất bởi vì chúng có rất ít màu ánh kim (trong số những dòng cá ánh kim). Cặp cá như vậy sẽ tạo ra toàn bộ cá mang gen melano ở thế hệ F1. Khi lai thế hệ F1 với nhau thì cá melano (mm) sẽ xuất hiện ở thế hệ F2. Tuy nhiên, cá melano xuất phát từ một cặp cá như vậy luôn có chút ít màu ánh kim trên thân.

Rất nhiều người ghi nhận rằng những con cá mái melano cẩm thạch và cá mái melano màu đồng có khả năng sinh sản và có thể dùng để lai tạo dòng cá melano.

Màu đen viền (black lace)
Màu này hiếm khi nào đậm bằng đen melano. Hầu hết đen viền có quá nhiều màu ánh kim trên thân và vây so với đen melano, và được xếp vào loại cá hai màu. Cá đen viền mà chúng ta thấy ngày nay đa số có nguồn gốc từ dòng cẩm thạch (marble). Như vậy, con cá đen viền đầu tiên ra đời từ dòng gen không có màu đỏ ở Đông Nam Á.

Phần rìa ở vây cá đen viền thường trong suốt hay có màu bóng trông giống như viền ren (vì vậy mà người ta gọi chúng là đen “viền”). Người mới nuôi cá cần hết sức cẩn trọng khi phân biệt giữa đen viền với đen melano bướm. Vây cá đen viền thường trong suốt hay có màu bóng, ngược lại đen melano bướm có màu đen sậm hay đen xanh. Giống như melano, đen viền là gen lặn so với cá betta bình thường nhưng cá cái đen viền vẫn có thể sinh sản được.
Halfmoon đen viền.
 Màu đỏ toàn thân (extended red)
Ở loại cá betta này, sắc tố đỏ tập trung nhiều và rộng. Màu đỏ lan rộng khắp thân và vây của cá như trường hợp gen ánh kim lan toàn thân (Si) ở loại cá màu ánh kim. Gen đột biến đỏ toàn thân (Er) có tính trội so với các gen đỏ thông thường (R).
(Hình đầu và giữa) halfmoon đỏ toàn thân (hình cuối) halfmoon blond đỏ toàn thân.
 Màu đỏ toàn thân lý tưởng không được nhiễm chút màu ánh kim hay đen nào. Trên thực tế, nhiều nhà lai tạo cố cải thiện vây của dòng cá đỏ bằng cách lai chúng với dòng dòng ánh kim đuôi đẹp. Từ đó dòng cá đỏ của họ bị nhiễm màu ánh kim và rất khó triệt tiêu.

Tiêu chuẩn về cá đỏ toàn thân lý tưởng vẫn tồn tại và nhiều người cố đạt được mục đích này bằng nhiều cách khác nhau (dưới đây là kinh nghiệm của họ):
- Lai với dòng cá đỏ khác
- Lai với dòng cambodian.
- Lai với dòng blond.
- Lai với dòng cá cam (orange).
Ghi chú: khi lai với các dòng cambodian, vàng và cam thì màu đỏ ở bầy cá con hầu hết bị nhạt bớt.

Gen làm mất màu đỏ (red loss)
Gen này làm màu đỏ ở cá betta biến mất khi chúng trưởng thành. Khi cá già hay bị rách vây thì màu đỏ đôi khi được phục hồi. Có lẽ gen đột biến làm mất màu đỏ được kết hợp với gen đột biến cẩm thạch (xem ở phần sau) bởi vì hầu hết cá cẩm thạch không hề lẫn chút màu đỏ nào.

Cá mái đỏ trước khi mất màu và cá mái sau khi mất màu.
 Gen làm mất màu đỏ (Rl) là một gen riêng biệt so với gen cẩm thạch (vốn tác động lên màu đen). Gen đột biến làm mất màu đỏ có nhiều biến thể và tính trội đối với tất cả các gen đỏ khác ngoại trừ gen đỏ toàn thân.

Các gen không đỏ (non-red): vàng và cam
Các gen không đỏ được xem là loại gen đột biến của gen đỏ. Gen không đỏ (nr) bị lấn át bởi gen đỏ ở cá hoang dã (NR). Có hai loại gen không đỏ là vàng (nr1) và cam (nr2).

Màu vàng
Theo tiến sĩ Gene Lucas, màu vàng không chỉ được quy định bởi một gen. Nghĩa là không hề có gen màu vàng để tạo ra cá betta vàng. Màu vàng chỉ là màu sắc thể hiện bề ngoài. Màu vàng được Lucas xếp vào loại gen “không đỏ” (non-red). Gen này là gen lặn phát sinh từ dòng cá đỏ. Có hai lý do khiến tiến sĩ Gene Lucas không sử dụng từ “gen vàng”:
1. Thuật ngữ “gen không đỏ” trước đây từng được dùng để mô tả những đột biến tương tự.
2. Tránh để mọi người hiểu lầm rằng chỉ có một gen duy nhất tạo ra cá màu vàng.
(hình đầu) halfmoon vàng (hình giữa) halfmoon bướm vàng (hình cuối) HMPK dứa.
 Vài ví dụ về cá betta vàng:
- Kiểu 1: vàng nhạt
- Kiểu 2: vàng đậm
- Màu dứa (pineapple): gen không đỏ này phát sinh từ dòng cá đỏ toàn thân. Màu dứa là màu vàng có dính chút vảy đen.

Màu cam
Màu cam là màu tương đối mới. Gen nr2 tạo ra màu đỏ/vàng (tức cam). Màu cam đậm với thật ít vảy đen là lý tưởng. Màu cam rất khó duy trì. Có ghi nhận rằng khi lai cá màu cam với nhau thì bầy con sinh ra bị mất màu.
(Hình ngoài) halfmoon cam đuôi kép (hình trong) halfmoon cam.
 Vây loang lổ (hay vây bướm - butterfly)
Một số cá vây bướm chỉ có một ít phần vây trong suốt trong khi ở số khác vây lại hầu như trong suốt. Có rất nhiều cấp độ vây bướm giữa hai loại đặc biệt ở trên. Một vây bướm lý tưởng phải có phần màu và trong suốt ngang nhau.

Vây bướm được quy định bởi một gen đột biến gọi là gen vây loang lổ (Vf). Đây là gen trội nhưng mức độ tác động của nó lên mỗi cá thể rất khác nhau như mô tả ở trên.

Lưu ý: khi cá vây bướm có gen melano thì phần viền vây vốn trong suốt cũng có màu đen.
(Hình ngoài) halfmoon bướm xanh (hình giữa) halfmoon bướm đỏ đuôi kép (hình cuối) Đuôi kép bướm xanh.
 Màu cẩm thạch (marble)
Betta cẩm thạch được lai tạo vào đầu những năm 1970 bởi một tù nhân tên là Orville Gulley tại nhà tù tại bang Indiana. Orville lai tạo cá betta trong các lọ đựng bơ đậu phộng như là một phần của chương trình phục hồi quyền công dân. Orville cố gắng tạo ra cá betta bướm đen dẫn đến sự phát hiện gen cẩm thạch. Walt Maurus và một số nhà lai tạo khác bắt đầu lai tạo dòng betta cẩm thạch và phát tán dòng cá này trên toàn nước Mỹ. Con cẩm thạch ban đầu có màu đen và trắng nhưng ngày nay có đủ các loại màu cá cẩm thạch mà người ta có thể nghĩ ra được.
(Hình ngoài) halfmooon cẩm thạch bướm xanh (hình trong) đuôi kép cẩm thạch trắng/đen.
 Ở cá non, màu cẩm thạch hiện lên dần dần và khi cá trưởng thành thì màu sẽ ổn định. Gen đột biến cẩm thạch (Mb) là gen trội một phần và có nhiều biến thể. Khi gen cẩm thạch được kết hợp vào dòng cá đơn sắc (tức chỉ có một màu toàn thân) thì nhà lai tạo sẽ rất khó khăn để duy trì dòng cá đơn sắc thuần.


Bài viết cùng thể loại:


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét