Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Betta khổng lồ BETTA GIANT



Tại hội nghị IBC tổ chức ở Orlando vào tháng 6 năm 2002, các ông Athapon Ritanapichad, Natee Ritanapichad và Wasan Sattayapun giới thiệu 3 con cá đuôi dài khổng lồ, 16 con plakat khổng lồ và một số cá imbellis với cộng đồng nuôi cá betta ở Mỹ. Chắc chắn rằng nhà sáng lập IBC, tiến sĩ Gene Lucas đã chú ý đến những con cá to nhất (dài đến 17 cm) như những cái "bánh kẹp 2-pound"!. Mọi người đều quan tấm đến lời đồn đãi cho rằng những con cá khổng lồ này được điều trị bằng hormon tăng trưởng và có ít nhất một người tại hội nghị đã mang những con cá khổng lồ về nhà để kiểm tra nồng độ hormon.

Tuy nhiên, theo nhóm người trên, cá betta khổng lồ ra đời qua quá trình tuyển chọn lâu dài và gian khổ của các nhà lai tạo. Vào năm 1999, Athapon tuyển chọn con cá betta khổng lồ đầu tiên trong số những con plakat xanh lục, với mục đích là tạo ra cá betta kích thước tối thiểu 7 cm. Lý do anh chọn cá xanh lục bởi vì anh quan sát thấy rằng cá màu này thường có kích thước lớn hơn so với những màu khác. Phải trải qua 5 thế hệ họ mới tạo ra những con betta đầu tiên đạt 7 cm và khoảng 20% những con lớn nhất được sử dụng để lai tạo ra dòng cá “khổng lồ” sau này. Qua nhiều năm nghiên cứu và làm việc trên dòng cá này, Athapon bắt đầu phát triển những màu sắc và dạng vây, bao gồm xanh dương, vàng, trắng, đỏ và xanh lục.



Theo Athapon, cá betta khổng lồ đạt kích thước 17 cm khi được 7-8 tháng tuổi. Tuy nhiên, sự khác biệt về kích thước cơ thể hiện rõ khi cá được 6 tháng tuổi. Khi được một năm tuổi thì cá ngừng lớn, nhưng vẫn tiếp tục phát triển về độ dày và trọng lượng cho đến khi được 18 tháng tuổi.

Những gì chúng ta được biết về gen khổng lồ đó là đặc điểm này chắc chắn sẽ di truyền cho cá con và do đó không thể là kết quả của việc tăng kích thước nhân tạo. Tiến sĩ Gene Lucas nghi ngờ rằng cá betta khổng lồ là kết quả của nhiều gen thay vì một gen duy nhất, tương tự như halfmoon hay crowntail tia chéo. Có một số thành viên của IBC, chẳng hạn như Jim Sonnier, đang làm việc với cá betta khổng lồ và đã phát hiện ra quy luật lai tạo chúng như sau:

1) Đặc điểm khổng lồ được tạo ra bởi một cặp gen.
2) Gen đột biến khổng lồ không hoàn toàn là gen trội so với gen kích thước bình thường.
3) Nếu cá con mang một cặp alen khổng lồ, nó sẽ là cá khổng lồ.
4) Nếu cá con chỉ mang một alen khổng lồ, nó sẽ là cá bán khổng lồ.
5) Nếu cá con không mang gen khổng lồ thì nó sẽ có kích thước bình thường.

Trong một số trường hợp, Sonnier lai cá đực mà ông gọi là “bán khổng lồ” (7-8 cm) với những con cá mái bình thường. Lần nào ông cũng thu được 50% cá bình thường và 50% cá bán khổng lồ.

Để có thể lớn tối đa cá phải được cho ăn thật nhiều khi chúng còn non so với cá betta thường (2-3 lần với cá đực bán trưởng thành, 2 lần với cá mái bán trưởng thành). Bởi vì chúng lớn rất mau, chúng ăn đủ mọi thứ. Chúng có thể dễ dàng ngốn hết lượng thức ăn gấp đôi so với cá bình thường và một giờ sau lại đói trở lại. Bởi vì chúng ăn nhiều hơn nên cũng thải nhiều hơn vì vậy chúng cần nhiều không gian và chúng ta phải thay nước thường xuyên hơn. Cá khổng lồ trưởng thành hay bị táo bón dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị cẩn thận. Nên cho cá ăn artemia hay bo bo vì những loại thức ăn này dễ tiêu hoá. Nếu cá bị táo bón, nên để chúng nhịn ăn một ngày và sau đó cho ăn bột đậu Hà Lan luộc chín. Một khi chúng đạt kích thước tối đa, bạn có thể giảm bớt khẩu phần ăn của chúng.

Với dinh dưỡng và điều kiện thích hợp, cá khổng lồ non sẽ đạt kích thước tối đa sau 2-3 tháng, và sau 4 tháng chúng sẽ bằng với cá bình thường 8 tháng tuổi. Sự khác biệt về kích thước ở cá bán khổng lồ so với những con bình thường diễn ra sau vài tuần tuổi.

Di truyền
Cá khổng lồ (17 cm) x cá khổng lồ (17 cm) = 100% cá khổng lồ (17 cm).
Cá khổng lồ (17 cm) x cá bán khổng lồ (7-8 cm) = 50% cá khổng lồ (17 cm) và 50% cá bán khổng lồ (7-8 cm).
Cá bình thường x cá bán khổng lồ (7-8 cm) = 50% cá bình thường và 50% cá bán khổng lồ (7-8 cm).
Cá bán khổng lồ (7-8 cm) x cá bán khổng lồ (7-8 cm) = 25% cá khổng lồ (17 cm), 50% cá bán khổng lồ (7-8 cm) và 25% cá bình thường.




Bài viết cùng thể loại:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét