Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Câu chuyện về betta khổng lồ

Tác giả Surat Bhutipanya (Ram_91) – www.ram91bettas.com
Dịch sang tiếng Anh: John Burkhart‎ (JaiYenJohn)

Vào năm 1998, tôi gặp Athapon (Uncle Sala) và con trai ông, Natee. Họ là chủ trại Diamond Fish Farm. Chúng tôi có một điểm chung, đều là nhà lai tạo cá betta (plakat). Vào thời đó, chúng tôi chỉ lai tạo những loại cá betta thông thường.

Hình ảnh
Tôi, ông Athapon (Uncle Sala) và Natee.


Một ngày vào giữa năm 1999, Uncle Sala và Natee phát hiện ra một con plakat cực lớn ở trại
của mình, nó lớn đến mức khó tin 10 cm! Họ liền có ý tưởng lai tạo những loại betta thông
thường nhưng càng lớn càng tốt. Họ phấn khích với ý nghĩ rằng đây hoàn toàn có thể là một
 loại cá thuần dưỡng mới. Điều này không chỉ tốt cho trại của họ mà còn cho toàn thể cộng
đồng nuôi betta nói chung. Do đó họ kiểm tra toàn bộ 300 hồ xi măng tròn trong trang trại của
 mình để tìm kiếm những con betta cái to nhất và lai với con cá khổng lồ mà họ phát hiện trước
 đó.

Sau lứa con đầu tiên, họ chỉ thu được một ít cá to. Nhưng họ lại tuyển chọn những con lớn nhất
 trong đó và lai tiếp. Sau mỗi thế hệ, họ thấy cá ngày càng to ra. Họ bắt đầu lai tạo cá mỗi tuần,
 có tuần lên đến 50 cặp cùng lúc! Họ lai chéo cá đực và cá cái khổng lồ giữa các dòng với nhau
 để củng cố màu sắc và tránh trùng huyết quá nhiều.

Vào năm 2001, Uncle Sala và Natee sở hữu rất nhiều dòng cá betta khổng lồ, cả plakat lẫn các
 loại đuôi dài. Lúc đó họ mới bắt đầu bán cá ra ngoài thị trường. Họ gọi chúng là betta khổng lồ
 (Giant Betta hay Plakat Yak). Không lâu sau, dòng cá khổng lồ mới này lan ra toàn thế giới và
người ta bắt đầu mua chúng để lai tạo và triển lãm.

Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh



Vào năm 2002, Uncle Sala và Natee gửi vài con betta khổng lồ đến triển lãm của IBC tại Mỹ.
 Sau đó, sự tồn tại của cá betta khổng lồ thực sự được công nhận.

Mọi việc diễn tiến tốt đẹp cho đến năm 2003 thì xảy ra trục trặc. Hợp đồng thuê đất làm trang
 trại hết hạn nhưng chủ đất từ chối ký tiếp hợp đồng mới vì muốn bán đi với giá thật cao. Vì
 không đủ tiền mua đất riêng nên Uncle Sala và Natee phải giảm bớt qui mô trang trại từ 300
 hồ xuống chỉ còn 70 hồ, và dời tất cả về nhà riêng. Khi đó, việc lai tạo cá betta khổng lồ có
khó khăn hơn một chút nhưng họ không bao giờ bỏ cuộc, và ngay cả khi tiến bộ thật chậm thì
 họ vẫn tiếp tục phát triển các dòng cá của mình, tạo ra những màu sắc mới và độc đáo ở cá
 betta khổng lồ.

Vào năm 2004, tiến sĩ Gene Lucas viếng thăm trang trại của họ, Uncle Sala và Natee được
vinh danh trong giới lai tạo cá betta nhờ kết quả công việc của mình. Họ cũng vui mừng với
việc tiến sĩ Lucas vì quá say mê cá betta nên đã đến Thái Lan để viếng thăm quê hương của
 cá betta thuần dưỡng.


Hình ảnh

Tiến sĩ Gene Lucas trong thời gian viếng thăm trang trại của Uncle Sala. 

Hiện tại, Uncle Sala và Natee vẫn đang lai tạo cả cá khổng lồ lẫn cá bình thường ở trang trại
của mình. Họ tiếp tục phát triển những màu sắc và loại cá mới dành cho những người yêu thích
 cá betta.

Để lai tạo dòng cá betta khổng lồ của chính mình, bạn chỉ cần chọn ra những con cá đực và cá
 cái lớn nhất mà bạn có. Sau khi chúng sinh sản, hãy chọn ra cặp cá lớn nhất trong bầy và ép
tiếp. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi bạn thu được tỷ lệ cá khổng lồ trong bầy cao. Sau đó,
lấy cá khổng lồ của bạn đem lai với cá bình thường để tạo ra bất kỳ màu sắc và kiểu vây nào
 mà bạn mong muốn.

Hình ảnh
Hình ảnh

Hiện nay, có rất nhiều cá betta khổng lồ bán ngoài thị trường, việc lai tạo chúng dễ hơn nhiều
so với trước đây. “Để lai tạo cá betta khổng lồ thành công và thu được nhiều cá đẹp và có kích
 thước lớn trong bầy, bạn phải chọn cá betta khổng lồ trong dòng cá chất lượng tốt. Bắt đầu với
cá to, đẹp và đủ tuổi. Sau đó, mọi thứ phụ thuộc vào kinh nghiệm của nhà lai tạo”.

Hình ảnh

Cá betta khổng lồ mà tôi, Uncle Sala và Natee lai tạo thường dài đến 7.5 cm (tính từ miệng
 cho đến đuôi) khi đạt từ 8 tháng rưỡi đến 9 tháng tuổi. Nhưng hiện tại, chúng tôi có thể lai cá
 đạt kích thước trên trong vòng từ 5 tháng rưỡi đến 6 tháng tuổi, và đôi khi còn sớm hơn 5
 tháng tuổi.

Hình ảnh
Hình ảnh

Cá betta khổng lồ plakat lớn nhất mà chúng tôi từng thấy dài đến 10 cm (tính từ đầu đến đuôi)
 ở một năm tuổi. Cá betta khổng lồ đuôi dài lớn nhất mà chúng tôi thấy đạt 12.5 cm ở một năm
 tuổi. Tuy nhiên, hiếm khi nào thấy cá lớn đến cỡ ấy, phải rất lâu chúng tôi mới thấy cá to như vậy.

Hình ảnh
Hình ảnh

Tôi cố gắng ôn lại công việc lai tạo và phát triển dòng cá betta khổng lồ từ lúc ban đầu.
 Nhưng tôi e rằng mình không thể nhớ hết toàn bộ câu chuyện, kể cả những thử nghiệm
và thất bại vì tôi đã ép quá nhiều bầy cá khổng lồ nên không thể nhớ hết từng giai đoạn
diễn tiến. Và tôi tin rằng không hề có bí quyết nào để luôn tạo ra cá betta khổng lồ trong
 mỗi bầy. Bạn có thu hoạch được cá betta khổng lồ con mà bạn mong muốn hay không?
 Tôi cho rằng điều này chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm của chính bạn.

Ghi chú
Kể từ năm 2007, tôi đã cải thiện dòng cá khổng lồ của mình thành "CÁ KHỔNG LỒ CHẤT
 LƯỢNG"... và hiện tại, tôi đang sở hữu các dòng HM khổng lồ và HMPK khổng lồ chất
lượng mà chúng có thể lớn nhanh và to hơn so với trước đây.

Hiện nay, các nhà lai tạo ở Thái Lan và những nước khác quan tâm đến việc lai tạo cá
 betta khổng lồ chất lượng mà chúng có thể lớn nhanh và to hơn… vì vậy, họ tìm kiếm dòng
cá betta khổng lồ chất lượng để phát triển chúng.

Khi bầy cá khổng lồ của tôi đạt 4.5 tháng tuổi… thì có vài con đạt đến 7.5 cm (chỉ ở cá đuôi dài).

Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh

Khi bầy cá khổng lồ của tôi đạt 7 tháng tuổi… thì có vài con đạt đến gần 10 cm. 
Hình ảnh
Khi bầy cá khổng lồ của tôi đạt 8.5 tháng tuổi… thì có vài con đạt trên 10 cm đối với cá
đuôi dài và trên 7.5 cm đối với cá đuôi ngắn.
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh

Thông thường, cá betta khổng lồ và HMPK sẽ đạt 7.5 cm ở 8 tháng tuổi… nhưng hiện tại,

vài con betta khổng lồ và HMPK của tôi có thể đạt kích thước trên sau 6 tháng tuổi.

Hình ảnh
Hình ảnh



Quan sát dòng cá betta mới: cá betta khổng lồ

Tiến sĩ Gene Lucas - nguồn www.bettysplendens.com

Hình ảnh

So sánh kích thước giữa cá betta khổng lồ và betta thường.

Ngay khi tôi nghĩ rằng mình đã thấy hết mọi thứ, thì một dòng cá betta thuần dưỡng nữa lại xuất hiện tại Hội thảo của IBC ở Orlando vào năm 2002. Đó là cá betta khổng lồ. Chúng kích thích sự tò mò của tôi bởi vì một trong những nhược điểm của cá betta xét trên phương diện cá cảnh đó là kích thước không to lắm. Có một điều mà ai cũng nhất trí là khi mọi đặc điểm đều như nhau, thì con betta lớn hơn sẽ chiếm ưu thế khi chấm điểm và tôi tin rằng đó cũng là tiêu chuẩn chấm điểm của IBC.

Không có gì ngạc nhiên khi những con cá to hơn chiếm ưu thế trên thị trường cá cảnh ở khắp nơi trên thế giới và điều đó đã diễn ra từ rất lâu. Thú nuôi cá cảnh bắt đầu với việc nuôi những con cá chép sặc sỡ (cá vàng và chép Koi), cả hai đều có thể tăng trưởng đến kích thước rất lớn, và chúng là những loài phổ biến nhất ở khắp mọi nơi. Những loài cá phổ biến khác, đặc biệt ở phương Đông, là cá rồng (cá rồng châu Á), cá đĩa và những loài cichlid khác bao gồm cả cá La Hán, tức cá lai giữa các loài cichlid châu Mỹ. Cả cá đĩa lẫn La Hán đều đang được lai tạo với đủ mọi biến thể màu sắc khác nhau.

Việc lai tạo cá betta thuần dưỡng kích thước lớn không có gì mới. Hầu hết các dòng cá đều trở nên to hơn cùng với thời gian. Tôi cho là điều này có liên quan tới việc tuyển chọn kích thước lớn cả cố ý lẫn vô tình và dĩ nhiên kể cả việc chăm sóc và chế độ dinh dưỡng tốt hơn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự phát triển về chiều cao ở con người. Hãy nhìn những thế thệ sau này của chúng ta, cụ thể là những vận động viên bóng rổ và bóng bầu dục. Tôi không nghĩ là đội bóng trường tôi trước đây có những người cao hơn 6,3 foot, và nếu có người cao khoảng 6,9 (2,10 m) hay 7 foot (2,13 m) thì đã được coi là cao. Một người cao 7 foot vào những năm 50 đã được xem là không tưởng. Ngày nay, hầu hết các đội bóng rổ đều có vận động viên cao đến 6,9 hay 7 foot. Tôi cao chưa tới 6 foot (1,8 m) và khi tôi đi bộ trên đường thì thường gặp những phụ nữ trẻ cao hơn mình. Tôi chắc là tất cả các bạn đều thấy như vậy. Ngược lại, nếu chúng ta thử so sánh với cha mẹ và ông bà thì hầu hết trong số họ đều thấp hơn chúng ta.

Chiều cao ở cầu thủ bóng bầu dục cũng rất rõ. Một cầu thủ cao khoảng 6,7 foot (2,04 m), nặng 325 pound (148 kg) mà chạy được đã là ước mơ của các huấn luyện viên vào những năm 50, nhưng ngày nay đa số huấn luyện viên đều có đến nửa tá hay hơn những cầu thủ như vậy. Ở những đội bóng chuyên nghiệp hay hầu hết những đội bóng của trường cao đẳng và thậm chí trung học đều có hàng hậu vệ gồm những cầu thủ nặng đến 300 pound (136 kg).

Nhưng ở đây chúng ta không bàn về những người cao to.

Vấn đề ở đây đó là có yếu tố hay sự kết hợp của nhiều yếu tố nào đó trong lối sống của chúng ta đã thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc và không có gì lạ khi điều tương tự xảy ra với những loài thuần dưỡng khác, bao gồm cá nuôi. Ở cá betta, có mối liên hệ rõ rệt đối với những yếu tố như chất lượng nước và chế độ dinh dưỡng. Những người lai tạo cá kích thước lớn thường xuyên phải thay nước và xử lí bằng nhiều cách, chẳng hạn như lọc thẩm thấu ngược (reverse osmosis), cho thêm chất đệm để ổn định độ pH, cho thêm muối hay chất hoá học để khống chế ammonia, hay bất kỳ chất nào khác. Họ có thể nỗ lực hơn nữa bằng cách cho cá ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, đặc biệt là thức ăn tươi sống, bao gồm việc nuôi trùn trắng (whiteworm) và atermia hay là thường xuyên tới các cửa hàng cá để mua atermia, trùn kiếng (glassworm), trùn đen (blackworm). Những nỗ lực như thế này đảm bảo cho cá luôn ở trong tình trạng khỏe mạnh và đáp ứng tất cả các những gì chúng cần để phát triển tốt nhất.

Vậy cá betta khổng lồ là gì?

Tôi cho là nhiều độc giả chưa có dịp thấy những con cá betta này. Tôi chưa từng thấy hoặc nghe nói về sự xuất hiện của chúng ở các tiệm cá nhưng (đôi khi) chúng được rao bán trên mạng AquaBid .Theo tôi biết thì không con nào được bán cho các thành viên IBC. Những con ở hội nghị IBC được bán với giá khởi điểm là 100 đô la. Tôi không nhớ ai đã ra cái giá đó nhưng tôi và một người nữa, mỗi người mua một con ở giá khởi điểm.

Tôi nhớ rằng những con betta này tham dự thể loại màu sắc và hình dạng; mặc dầu chúng có nhiều loại màu nhưng chỉ một số màu được đem trưng bày. Có những loại nền sẫm, cambodian, xanh dương, xanh lục, vài con non-red (vàng), đen, đỏ… Một số con vây bướm (phần giữa của vây một màu và viền bên ngoài màu khác). Tôi còn nhớ rất rõ một con vây bướm xanh dương và đen, tổng cộng có khoảng mười hai hay mười lăm con với màu sắc thường thấy ở cá betta thuần dưỡng hiện đại.

Đặc điểm nổi bật nhất của cá betta khổng lồ là kích thước của chúng. Con cá của tôi được đặt nick là “Bubba” (đại ca), cái tên dường như rất phù hợp với nó. Ảnh chụp không thể minh họa được kích thước của nó trừ khi chúng được đặt kèm vài vật chuẩn để so sánh mà tôi lại không tìm ra vật nào phù hợp. Ở đây, tôi sẽ cung cấp một bảng so sánh cho thấy sự khác biệt tương đối giữa cá hoang dã, cá thuần dưỡng bình thường và cá betta khổng lồ của tôi mà dường như cũng to tương đương những con khác tại triển lãm của IBC.

Bởi vì đuôi có độ dài thay đổi (tỷ lệ với thân) nên tôi đo chiều dài thân từ chóp miệng đến gốc đuôi (các nhà ngư loại học gọi là chiều dài chuẩn) trên ba con betta có kích thước trung bình lấy từ ba nhóm khác nhau để so sánh. Tôi sử dụng những con cá hoang dã điển hình mà tôi bắt được ở Malaysia và Việt Nam (tôi nghi ngờ những con bắt được từ nhiều vùng khác nhau ở Thái Lan bởi vì chúng thường có màu như cá thuần dưỡng và có khả năng là cá thuần dưỡng bị sổng, được thả hay cá lai). Tôi chọn một con có kích thước trung bình trong phòng nuôi cá của mình làm đại diện cho cá betta thuần dưỡng và sử dụng Bubba làm đại diện cho cá betta khổng lồ vì, theo tôi được biết, nó có kích thước chuẩn. Kết quả đo đạc của tôi như sau:

- Cá hoang dã: 3,2 cm (gần 1,35 inch)
- Cá thuần dưỡng: 3,7 cm (gần 1,5 inch)
- Cá khổng lồ: 6,6 cm (gần 2,6 inch)

Trong khi sự khác biệt về chiều dài của cá betta hoang dã và betta thuần dưỡng “bình thường” là không lớn lắm, thì sự khác biệt giữa chúng với cá khổng lồ là đáng kể. Betta thuần dưỡng dài gấp 1,156 lần so với cá hoang dã, trong khi betta khổng lồ dài gấp 2,06 lần, tức là hơn 2 lần cá hoang dã.

Một thông số khác có thể được dùng để so sánh là trọng lượng. Tôi đã cân chúng bằng một loại cân dùng trong phòng thí nghiệm và thu được kết quả như sau:

- Cá hoang dã :1,2 gam
- Cá thuần dưỡng: 1,95 gam
- Cá khổng lồ: 8,85 gam

Sự khác biệt về trọng lượng cũng là điều đáng nói. Betta thuần dưỡng nặng gấp 1,625 lần betta hoang dã còn betta khổng lồ nặng hơn rất nhiều, gấp 7,735 lần. Dĩ nhiên, có sự khác biệt về tỷ trọng thịt ở mỗi con tuỳ vào việc ruột của chúng có thức ăn hay không, kích thước bóng bơi, lượng mỡ trong cơ bắp và vân vân. Cũng vậy, khi cân cả con cá, vây cũng được tính và tổng trọng lượng vây của mỗi con cá thì không nhất thiết phải cùng tỷ lệ với trọng lượng toàn thân.

Tôi cũng thử đo thể tích của mỗi con cá bằng cách thả chúng vào ống xy lanh có vạch chia độ và cố gắng đọc thể tích nước bị chiếm chỗ nhưng vì thể tích nước tăng lên rất ít nên không thể đọc được. Tôi lưu ý rằng mỗi phương pháp được áp dụng ở đây đều có sai số, nhưng như bạn thấy đấy, nó minh chứng rõ ràng rằng cá betta khổng lồ lớn hơn đáng kể so với những con bình thường.

Di truyền của cá betta khổng lồ?

Tôi mua Bubba chủ yếu để lai với con cá mái của tôi ở nhà mà nó dường như đủ to và tôi hy vọng thu được bầy con của chúng. Tôi có rất nhiều cá mái từ dòng cá to con mặc dù chúng vẫn nhỏ hơn nhiều so với cá khổng lồ. Tôi thu được hai bầy từ con cá đực khổng lồ này sau hai lần ép. Cả hai bầy đều có những con cá bột rất to. Vì hết chỗ nên tôi không thể lai thêm những bầy khác. Dù đã bị hao hụt và cho đi một số, tôi vẫn thu được tổng cộng 732 con từ một trong hai bầy - bầy lớn nhất mà tôi từng ép được.

Một bầy lai với cá mái đuôi kép cambodian dính rất ít màu ánh kim. Bầy này rất đông nhưng không may chúng bị nhiễm nấm velvet khi gần một tuần tuổi và chết hết. Chúng còn quá nhỏ để phân loại vì vậy tôi đã bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về di truyền của những dòng cá cơ bản hay bất cứ dòng cá mới nào, đặc biệt là trường hợp cá khổng lồ lai với cá bình thường.

Tôi gặp may hơn với bầy cá khác. Con cá mái thứ hai có màu đa sắc xanh/đỏ từ dòng cá đuôi dài. Con này là con cháu qua nhiều thế hệ giữa một con trống xanh thép vây rất to mà tôi mua từ một cuộc đấu giá với một con mái đuôi kép xanh thép từ bầy cá của tôi, mà nó là con của cá trống đen đạt chuẩn của thành viên của IBC Dan Young với cá mái màu vàng đuôi kép đạt chuẩn mà tôi mua được từ cuộc đấu giá khác. Tôi không có thông tin cơ bản nào về những con cá mua từ cuộc đấu giá nhưng kiểu hình của chúng bao gồm vây dài, đuôi kép, đỏ toàn thân và non-red, xanh thép, cambodian và phân bố ánh kim toàn thân hay một phần.

Bubba (giờ đã quá cố) có vây ngắn xanh lục đa sắc với màu vàng (non-red) thay thế màu đỏ. Hai bầy cá đã cung cấp cho tôi hàng loạt đặc điểm để khảo sát. Bên cạnh việc lai cá khổng lồ với cá thuần dưỡng bình thường loại lớn hoặc nhỏ con, còn có thể lai cá vây dài với cá vây ngắn (bình thường), xanh dương với xanh lục (bình thường) có ánh kim, ánh kim toàn thân với ánh kim một phần (bình thường), non-red (vàng) với đỏ (bình thường). Mặc dù cả cá cha lẫn mẹ đều nền sẫm, bầy cá vẫn có những con nền sáng (cambodian) chứng tỏ cả cá cha lẫn cá mẹ đều mang gen lặn.

Kết quả mà tôi thu được từ bầy cá này hoàn toàn có thể đoán trước. Chúng đạt (ở khoảng 6 tháng tuổi) kích thước trung bình tương đương với kích thước tối đa của betta thuần dưỡng mặc dầu có vài con hơi lớn hơn. Lúc này, không con nào đạt kích thước gần bằng cha của chúng. Tôi nghe nói rằng cá betta khổng lồ có xu hướng tăng trưởng một khi đủ tuổi nhưng đấy là điều mà tôi phải kiểm chứng. Những con trống đều có vây dài (gen trội thừa hưởng từ cá mẹ) mặc dù đuôi không lớn như tổ tiên bên mẹ. Gen này không bộc lộ ở cá mái. Không có con đuôi kép nào.

Những gì tôi thu được từ bầy cá này là một dải màu vô cùng thú vị. Hầu hết đều có thể đoán trước từ màu sắc và kiểu gen của cá cha mẹ nhưng cũng có vài con mà tôi không thể đoán được. Mặc dù tôi không phân loại chúng nhưng tôi có thể kiểm tra “bằng mắt” xem có những màu gì. Tôi nghĩ cách dễ nhất để làm điều này là xem xét từng màu một như vậy số lượng cũng như mức độ đa dạng của chúng được kiểm soát tốt hơn.

1. Tỷ lệ trống mái dự đoán là 50% (mỗi loại). Chúng ta không thể phát hiện cá trống dị giao tử (heterogametic) [1] trong những nghiên cứu kiểu nhân (karyotype study) [2] và nhiều bầy cá có thể khác xa với tỉ lệ giới tính 1:1 vì vậy không cần thiết phải đạt được tỷ lệ này. Tỷ lệ giới tính sau cùng có thể phụ thuộc vào một số ảnh hưởng từ bên ngoài. Sự chuyển giới từ cá mái thành cá trống cũng diễn ra rất thường xuyên.

2. Tất cả cá đực từ bầy này đều có vây lớn nhưng mang gen vây ngắn từ cá cha. Nếu cá mái (cá mẹ) mang gen vây ngắn thì một nửa bầy cá sẽ có vây ngắn nhưng không con nào như vậy.

3. Màu ánh kim của cá trống là xanh lục và cá mái là xanh dương có nghĩa là một nửa bầy cá có màu xanh lục và một nửa có màu xanh dương (màu xanh dương là dị hợp tử). Đó là những gì đã xảy ra.

4. Phân bố ánh kim ở cá bố mẹ là trung bình. Mức độ phân bố ở bầy cá tương đối liên tục nhưng có thể chia làm 3 loại: dày đặc, trung bình và thưa. Điều kiện chăm sóc đối với cả ba loại trong bầy là như nhau và thực tế diễn ra đúng như vậy.

5. Cá cha mẹ có màu sẫm nhưng mang gen cambodian nền sáng. Điều này được chứng tỏ bởi sự xuất hiện của những con màu sáng trong bầy. Bởi vì nó đơn giản là gen lặn, theo lý thuyết sẽ có 25% cá con màu sáng và thực tế có vẻ đúng như vậy.

6. Cá mái có màu đỏ trong khi cá trống màu vàng (non-red). Sự xuất hiện của một nửa cá con non-red cho thấy rằng cá mái có gen non-red (sự hiện diện của bất kỳ cá non-red nào đều đòi hỏi phải như vậy). Tất cả cá con có ít nhất một alen non-red từ cha của chúng.

7. Tôi thu được vài cá thể mà tôi gọi là màu “Muối tiêu” nhưng tôi thật sự không thể hiểu được cấu trúc di truyền của chúng. Những con cá này có nhiều chấm nhỏ trên thân xen kẽ với vài đốm lớn hơn. Đây có lẽ là một loại cẩm thạch nhưng không có con cá cẩm thạch nào xuất hiện trong bầy.

8. Mặc dù không có con đuôi kép nào xuất hiện nhưng cá mẹ có thể mang nó như một gen lặn (di truyền từ dòng tộc của mình). Nếu có, nó sẽ truyền gen này cho một nửa bầy con mà chúng, nếu một con trong đó lai với con khác cũng mang gen đuôi kép, có thể tạo ra cá đuôi kép sau này.

9. Hành vi của chúng không được coi là ở mức trung bình nhưng có sự khác biệt hoàn toàn về mức độ hung dữ giữa các dòng betta thuần dưỡng khác nhau, đo đó nó có thể như vậy thật. Bề ngoài của Bubba trông như là một phiên bản to hơn của cá betta đuôi ngắn thuần dưỡng, loại được nuôi để đá. Tuy nhiên, nó không thể hiện sự hung dữ thái quá và cá mái là loại betta cảnh điển hình. Chúng sinh sản ngay lập tức và không gặp phải sự cố gì.

Thảo luận

Bộ sưu tập bao gồm những đặc điểm khác nhau này (từ cá bố mẹ) chứa đựng những tiềm năng di truyền để tạo ra một dãy pha tạp kiểu gen và kiểu hình trong bầy cá. Trước đây tôi có đề cập đến một “dải màu thú vị” là nhờ vào khả năng này. Hãy xem xét tất cả các trường hợp khác nhau có thể xảy ra. Dải màu phân bố từ sáng và sẫm với rất ít ánh kim qua những biến thể kết hợp mà chúng ta gọi là đa sắc xanh dương và xanh lục (kèm theo đỏ hay vàng như những màu phụ) cho đến xanh dương và xanh lục đơn sắc nền sáng hay sẫm.

Hãy lấy một ví dụ, tôi có một vài con trắng phấn xanh rất đẹp. Để lai tạo ra chúng, tôi cần phải có kiểu gen xanh lục với thật nhiều ánh kim, nền sáng và non red. (ở đây, tôi không quan tâm tới những biến thể về dạng vây, kích thước cơ thể hay bất kì biến thể nào khác).

Bởi vì cách thức di truyền của mỗi đặc điểm phụ của kiểu hình, nên chúng không xuất hiện với cùng số lượng. Chúng ta có thể làm một thí nghiệm nhỏ sử dụng xác xuất để dự đoán khả năng hình thành của một đặc điểm cho trước. Lấy cá xanh phấn làm ví dụ: hy vọng một phần tư sẽ có nền sáng, một nửa xanh lục, một phần tư dính ánh kim và một nửa là non red. Kết quả thu được là 1/64. Tôi đã cung cấp một biểu đồ minh họa các kết hợp có thể xảy ra.

Măc dù cá betta khổng lồ có kích thước lớn, nhưng những con vây dài dường như không có tỷ lệ vây lớn hơn so với thân như thường thấy ở cá betta kích thước bình thường.Tôi không chắc là điều này thực sự có ý nghĩa như thế nào nhưng nó làm dấy lên một câu hỏi trong đầu tôi. Tôi tự hỏi phải chăng đây là hậu quả của việc xử lý hormon nào đó. Số mẫu thí nghiệm ít vì vậy tôi thừa nhận rằng một vài con cá trống vây dài ở đây không thể đại diện cho cả dòng cá. Tôi từng thấy điều tương tự ở cá betta bình thường. Dẫu vậy, tôi muốn thấy vài con có vây thật to tương tự những con betta cảnh kích thước bình thường đẹp nhất.

Có phải cá betta khổng lồ là có thật? Ý tôi là thực sự có loại gen betta khổng lồ hay không? Có phải chúng hình thành qua quá trình chọn lọc lâu dài và cẩn thận hay chỉ là kết quả của việc sử dụng một loại hormon tăng trưởng nào đó! Chúng ta có thể hy vọng vào sự phát triển đáng kể về kích thước ở cá betta cảnh không? Nếu vậy, chúng có sắp sửa được “cộng đồng” nuôi cá Betta chấp nhận không? Tôi chưa thể trả lời được những câu hỏi này. Tôi hy vọng có thể nói nhiều hơn sau thu được nhiều kết quả lai tạo và sau khi tôi tìm hiểu nhiều hơn về những người đã tạo ra chúng và lai bằng cách nào.

Ghi chú:
1 - Heterogamete: hetero=dị, gamete=giao tử, heterogamete=dị giao tử (tức tế bào sinh dục khác nhau). Tuỳ theo sinh vật mà giao tử này có thể gọi là tinh trùng, trứng, giao tử đực, giao tử cái. Ví dụ, ở người, giao tử có thể hiểu là tinh trùng và trứng.

2 - Karyotype: karyo=nhân tế bào, type=kiểu, karyotype=kiểu nhân. Người ta phân biệt tế bào giữa các sinh vật thông qua số lượng và hình dạng nhiễm sắc thể (chromosome). Vậy kiểu nhân=kiểu nhiễm sắc thể chứa trong nhân (gồm hình dạng + kích thước + số lượng).

(Nguồn Diendancacanh)






Betta khổng lồ - The New Betta


Tác giả Victoria Parnell - nguồn www.bettysplendens.com
Hình ảnh
Cá betta khổng lồ cẩm thạch (J. Sonnier).

Tại hội nghị IBC tổ chức ở Orlando vào tháng 6 năm 2002, các ông Athapon Ritanapichad, Natee Ritanapichad và Wasan Sattayapun giới thiệu 3 con cá đuôi dài khổng lồ, 16 con plakat khổng lồ và một số cá imbellis với cộng đồng nuôi cá betta ở Mỹ. Chắc chắn rằng nhà sáng lập IBC, tiến sĩ Gene Lucas đã chú ý đến những con cá to nhất (dài đến 17 cm) như những cái "bánh kẹp 2-pound"!. Mọi người đều quan tấm đến lời đồn đãi cho rằng những con cá khổng lồ này được điều trị bằng hormon tăng trưởng và có ít nhất một người tại hội nghị đã mang những con cá khổng lồ về nhà để kiểm tra nồng độ hormon.

Tuy nhiên, theo nhóm người trên, cá betta khổng lồ ra đời qua quá trình tuyển chọn lâu dài và gian khổ của các nhà lai tạo. Vào năm 1999, Athapon tuyển chọn con cá betta khổng lồ đầu tiên trong số những con plakat xanh lục, với mục đích là tạo ra cá betta kích thước tối thiểu 7 cm. Lý do anh chọn cá xanh lục bởi vì anh quan sát thấy rằng cá màu này thường có kích thước lớn hơn so với những màu khác. Phải trải qua 5 thế hệ họ mới tạo ra những con betta đầu tiên đạt 7 cm và khoảng 20% những con lớn nhất được sử dụng để lai tạo ra dòng cá “khổng lồ” sau này. Qua nhiều năm nghiên cứu và làm việc trên dòng cá này, Athapon bắt đầu phát triển những màu sắc và dạng vây, bao gồm xanh dương, vàng, trắng, đỏ và xanh lục.

Theo Athapon, cá betta khổng lồ đạt kích thước 17 cm khi được 7-8 tháng tuổi. Tuy nhiên, sự khác biệt về kích thước cơ thể hiện rõ khi cá được 6 tháng tuổi. Khi được một năm tuổi thì cá ngừng lớn, nhưng vẫn tiếp tục phát triển về độ dày và trọng lượng cho đến khi được 18 tháng tuổi.

Những gì chúng ta được biết về gen khổng lồ đó là đặc điểm này chắc chắn sẽ di truyền cho cá con và do đó không thể là kết quả của việc tăng kích thước nhân tạo. Tiến sĩ Gene Lucas nghi ngờ rằng cá betta khổng lồ là kết quả của nhiều gen thay vì một gen duy nhất, tương tự như halfmoon hay crowntail tia chéo. Có một số thành viên của IBC, chẳng hạn như Jim Sonnier, đang làm việc với cá betta khổng lồ và đã phát hiện ra quy luật lai tạo chúng như sau:

1) Đặc điểm khổng lồ được tạo ra bởi một cặp gen.
2) Gen đột biến khổng lồ không hoàn toàn là gen trội so với gen kích thước bình thường.
3) Nếu cá con mang một cặp alen khổng lồ, nó sẽ là cá khổng lồ.
4) Nếu cá con chỉ mang một alen khổng lồ, nó sẽ là cá bán khổng lồ.
5) Nếu cá con không mang gen khổng lồ thì nó sẽ có kích thước bình thường.

Trong một số trường hợp, Sonnier lai cá đực mà ông gọi là “bán khổng lồ” (7-8 cm) với những con cá mái bình thường. Lần nào ông cũng thu được 50% cá bình thường và 50% cá bán khổng lồ.

Để có thể lớn tối đa cá phải được cho ăn thật nhiều khi chúng còn non so với cá betta thường (2-3 lần với cá đực bán trưởng thành, 2 lần với cá mái bán trưởng thành). Bởi vì chúng lớn rất mau, chúng ăn đủ mọi thứ. Chúng có thể dễ dàng ngốn hết lượng thức ăn gấp đôi so với cá bình thường và một giờ sau lại đói trở lại. Bởi vì chúng ăn nhiều hơn nên cũng thải nhiều hơn vì vậy chúng cần nhiều không gian và chúng ta phải thay nước thường xuyên hơn. Cá khổng lồ trưởng thành hay bị táo bón dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị cẩn thận. Nên cho cá ăn artemia hay bo bo vì những loại thức ăn này dễ tiêu hoá. Nếu cá bị táo bón, nên để chúng nhịn ăn một ngày và sau đó cho ăn bột đậu Hà Lan luộc chín. Một khi chúng đạt kích thước tối đa, bạn có thể giảm bớt khẩu phần ăn của chúng.

Với dinh dưỡng và điều kiện thích hợp, cá khổng lồ non sẽ đạt kích thước tối đa sau 2-3 tháng, và sau 4 tháng chúng sẽ bằng với cá bình thường 8 tháng tuổi. Sự khác biệt về kích thước ở cá bán khổng lồ so với những con bình thường diễn ra sau vài tuần tuổi.

Di truyền
* Cá khổng lồ (17 cm) x cá khổng lồ (17 cm)=100% cá khổng lồ (17 cm).
* Cá khổng lồ (17 cm) x cá bán khổng lồ (7-8 cm)= 50% cá khổng lồ (17 cm) và 50% cá bán khổng lồ (7-8 cm).
* Cá bình thường x cá bán khổng lồ (7-8 cm)=50% cá bình thường và 50% cá bán khổng lồ (7-8 cm).
* Cá bán khổng lồ (7-8 cm) x cá bán khổng lồ (7-8 cm)= 25% cá khổng lồ (17 cm), 50% cá bán khổng lồ (7-8 cm) và 25% cá bình thường.



Bài viết cùng thể loại:



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét