Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Nuôi chung cá cha với bầy con

Đây là những thứ được coi là “giáo điều” trong việc sinh sản cá Betta… cho cá đẻ, vớt cá cái ra, sau khi cá con tự bơi được thì vớt luôn cá đực ra. Dĩ nhiên, bởi vì cá đực sẽ ăn cá con. Hầu hết mọi người đều quen với ý nghĩ rằng cá đực sẽ thay đổi từ người cha đầy yêu thương và quan tâm trở thành kẻ ăn thịt con cái một khi chúng bắt đầu tự lập.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta để cá cha cùng với bầy con của nó?

Tôi nghe nói về phương pháp của Derrick Kuah ở Singapore. Thành công vang dội của anh trong việc nuôi dưỡng cá Betta bột chung với cá cha gây ra nhiều e ngại mặc dù anh tuyên bố rằng cá bột sẽ lớn nhanh hơn, mạnh khỏe hơn và đặc biệt là sẽ trở thành những bậc cha mẹ tận tụy một khi chúng trưởng thành và sinh sản (anh nhận thấy số trường hợp cá đực ăn trứng và bỏ rơi tổ thấp hơn mức bình thường).

Vì tò mò, một số nhà lai tạo trong đó có tôi quyết định thử phương pháp để cá cha chung với bầy con của Derrick. Không giống như những lần cho cá đẻ khác mà hầu hết là sử dụng chậu trống không, lần này thôi thả rong và tạo nơi trú ẩn trong chậu, cho cá đẻ và chờ đợi.
Cá đực bên dưới tổ bọt, vây của nó bị rách trong quá trình sinh sản (lưu ý: giá thể cho cá đực nhả bọt là ly bằng mút bị cắt làm đôi).
 Ngày đầu tiên không có gì đặc biệt. Trứng nở thành cá bột với đầu treo trên tổ bọt và đuôi chúc xuống, cá cha dịu dàng chăm sóc chúng. Ngày thứ hai, vài con đã có thể bơi được và cá cha vẫn tiếp tục công việc của mình, sửa sang tổ bọt, cố bắt cá con về tổ và dĩ nhiên là ăn những con cá bột quá yếu. Ngày thứ 3 hầu hết cá bột có thể tự bơi được và đây là lúc tôi có thể tự chúc mừng bản thân được rồi, tôi thường vớt cá cha ra vào lúc này. Tôi kiểm tra chậu và thấy cá cha vẫn bơi loanh quanh cố bắt cá bột về tổ bọt của nó. Tôi cho nó ăn và phì cười khi thấy nó phun ra một mớ cá bột từ cổ họng rồi mới ăn mồi một cách ngấu nghiến.

Ngày thứ tư, tôi thấy cá cha đang đớp cái gì đó trên mặt nước. Linh cảm xấu, tôi chộp lấy cây vợt rồi ngó vào chậu. Nhưng không, nó không hề ăn cá con… Tôi cho cá con ăn ấu trùng artemia và cá cha tận dụng món tráng miệng này bên cạnh các bữa ăn chính. Theo lời khuyên của Derrick, tôi cho cá cha ăn rất đều – 4 lần/ngày cho đến khi nó no thì thôi. Hậu quả là nó tạo ra nhiều chất thải và vì vậy tôi phải dùng ống hút hết cặn dơ và đổ nước sạch cho đầy như mực nước cũ. Tôi để ý thấy cá cha rất bảo vệ con, nó bơi vào những nơi bị xáo trộn để thu thập cá bột và sửa sang lại tổ bọt bị hư hại trong khi làm vệ sinh.

Ngày thứ năm, tôi cảm thấy rất yên tâm khi kiểm tra cá cha và bầy cá con. Nhưng tôi phát hiện con cá cha bụng căng tròn nằm ở một góc và vài con cá bột còn sót lại. Vậy là cá cha đã ăn cá con rồi, tôi bắt nó ra và thông báo điều này cho Derrick. Anh bảo “Victoria, con cá đực ăn con thường là cá bệnh hay có tật. Ngoài ra, cá đực cũng ăn con nếu chậu đẻ quá nhỏ vì vậy nên sử dụng chậu lớn hơn”.

Có thêm chút thông tin, tôi thiết lập hồ đẻ mới có dung tích 35 lít, đổ đầy nước, cho thêm rất nhiều rong và cá đực được cho ăn thức ăn tươi trong 2 tuần. Kết quả trong tuần đầu tiên cũng diễn ra giống như thử nghiệm đầu và bạn có tin không, tôi cắn ngón tay mình khi thấy bụng con cá cha có vẻ căng lên. Nhưng tôi vẫn để nó ở đó và vài ngày sau tôi phát hiện ra rằng còn nhiều cá con hơn là tôi tưởng… chúng lấp ló trong bụi rong, đuổi bắt thức ăn… và cá cha núp dưới tổ bọt của nó, không ngó ngàng gì đến lũ con ngay cả khi chúng bơi qua trước mũi! Có đôi lần tôi thấy nó đớp một con cá bột, nhưng chỉ ngậm trong miệng một hai giây rồi nhả ra. Con cá bột trông rất giãy giụa nhưng không bị chút xây xước nào cả. Tôi cũng nhận thấy cá bột to gấp đôi so với bình thường và cá cha cũng ở tình trạng rất khỏe mạnh. Tôi đoán đấy là do nó được ăn đầy đủ và ở hồ rộng rãi. Derrick cũng lưu ý là cá đực một khi ở chung với bầy con thì không cần phải chăm sóc đặc biệt trước khi cho sinh sản lứa mới. Nó không phải chịu đựng những phản ứng phụ sau khi sinh sản (tức là cá đực đổ bệnh vài ngày sau khi vớt ra khỏi bầy cá con) và mắn đẻ hơn.

Thêm nữa, Derrick còn đôi khi phát hiện loại cá cái mà anh gọi là loại “kích động” (bởi vì nó liên tục “kích động” con đực – ), cá cái quay lại tổ sau mỗi vài ngày để tiếp tục đẻ trứng với cá đực. Ở những con cá cái này, dường như buồng trứng liên tục sản xuất trứng và bụng của nó nhanh chóng phình to sau mỗi đợt đẻ. Với loại cá cái này, anh không vớt chúng ra sau khi đẻ mà để ở chung và sinh sản với cá đực nhiều lần. Đâu là điểm không tốt? Anh nói rằng loại cá cái này thường chết sau vài lần đẻ trứng dù có vớt nó ra khỏi chậu hay không. Anh từng nghi nhận có đến 7 đợt đẻ trứng diễn ra trong 3 tuần! Khi chúng đẻ đến lần thứ 4 trở đi, cá bột bị lứa cá trước đó ăn thịt nhưng (thật ngạc nhiên) không con nào bị cá bố mẹ ăn.

Tôi sẽ kết thúc bằng việc bổ sung thêm kết quả thử nghiệm của mình vào phương pháp này: nó hoạt động tốt vì tôi còn khoảng 50 con cá ở 2 tháng tuổi. Cá cha vẫn ở chung với chúng và đôi khi có cắn chút ít nhưng nhìn chung là cả bầy sống rất hòa thuận. Tôi thấy vài con chắc chắn là cá đực nhưng chúng không đánh nhau nên tôi không cần phải bắt chúng ra nuôi riêng. Một lần nữa, Derrick khẳng định rằng dường như sự có mặt của cá cha như là cá đầu đàn sẽ giúp đem lại bình ổn cho bầy cá. Khi mà vị trí đầu đàn đã được xác định thì có rất ít nhu cầu phải phân tranh lãnh thổ và ngôi thứ và cá đực có thể nuôi chung trong bầy được lâu hơn. Anh cũng thêm rằng khách tham quan phòng nuôi cá của anh luôn ngạc nhiên rằng tại sao bầy cá của anh gồm cả cá đực lẫn cái ở kích thước gần bằng cá cha mà vẫn sống hòa thuận với nhau.
Cá đực chung sống hòa bình với bầy cá con (Ảnh F. Yee).
 Đây là một thử nghiệm thú vị nhưng tôi khuyên những người chưa có kinh nghiệm không nên thử. Cần làm vệ sinh hồ cá hàng ngày và ít nhiều thì điều đó cũng làm xáo trộn hồ. Trong tháng đầu tiên, bạn bắt buộc phải cho cá cha ăn nhiều và thường xuyên, rồi phải làm vệ sinh liên tục để tránh ô nhiễm. Nhìn chung, đây là phương pháp thú vị.

Kết thúc cuộc thử nghiệm tôi thu hoạch được 38 con, một số có kích thước gần bằng cá cha khi tôi bắt ra nuôi trong lọ riêng. Có vài trường hợp, cá con được tôi đem bán ngay cho người nuôi cá trực tiếp từ hồ đẻ!

Về sau, tôi để ý thấy một số cá con đã phát triển thành cá đực trưởng thành và tôi khó lòng không bắt chúng ra nuôi riêng. Tôi cũng nín thở khi phát hiện thấy chúng gây lộn trong hồ (dường như vì tranh ăn) nhưng không có tổn thương nghiêm trọng nào ngoài những vết xước nhỏ. Cá cha dường như có thái độ chịu đựng và cố gắng không để ý đến bầy con khi chúng đạt 3 tháng tuổi, và nếu có một con bơi qua trước mũi thì nó cũng chỉ bơi vòng quanh một cách thờ ơ.
Một con cá cái trong bầy.
 Ở độ tuổi 3 tháng rưỡi, những con cá con bỗng chuyển sang màu nâu sậm và đỏ. Không chờ đến khi cá cha được bắt ra, chúng bắt đầu tranh giành lãnh thổ và giương vi với nhau; đó cũng là khi màu sắc của chúng trở nên nổi bật. Nhiều con Super Delta bỗng nhiên biến thành Halfmoon sau một tuần giương vi với những con cá đực non khác. Những con cá cái (và vài con cá đực nhỏ hơn) vẫn ở chung trong hồ đẻ nhưng một điều bất ngờ ngoài mong đợi xảy ra buộc tôi phải kết thúc cuộc thử nghiệm và bắt hết cá con ra.

Tôi thấy một con cá cái lớn bỗng dưng trở nên rất hung dữ với đồng loại làm tôi bối rối không hiểu tại sao nó lại đột nhiên thay đổi như vậy sau nhiều tháng trời chung sống hòa bình. Câu trả lời trở nên rõ ràng hơn vào sáng hôm sau khi tôi thấy nó đang quấn lấy con cá cha bên dưới tổ bọt. Hết sức bình thường khi cá cái thành thục ở độ tuổi này và sinh sản với con cá đực đầu đàn, trong trường hợp này là cá cha của nó. Hành vi của nó là có ý nghĩa, bây giờ nó coi tất cả cá cái cùng bầy là kẻ cạnh tranh và xác định quyền được sinh sản với con đực đầu đàn của nó. Tôi bắt hết cá con ra và chỉ để lại mỗi con cá cha, vài ngày sau tôi lại thấy bầy cá bột treo trên ổ bọt nơi mà mẹ của chúng từng ở đó nhiều tháng trước đây.

Vài con trong số đó giờ đã có thể tự bơi được và cá cha vẫn ở chung với chúng. Và câu chuyện này vẫn tiếp diễn đối với con cá cha khi nó chăm sóc lứa con thứ hai!

Ghi chú (VNRD)
Cách nuôi này không lạ gì ở Việt Nam, thực tế người ta nuôi bầy cá Xiêm trong lu hay bể cho đến khi chúng to bằng ngón tay (mà chẳng cần cá cha) trước khi tách đàn để bán. Với cá Xiêm, cá con có đá nhau chút đỉnh thì cũng không là vấn đề gì nhưng với cá cảnh như Halfmoon hay Crowntail thì vây sẽ hư hết, khó lành và tất nhiên là… khó bán. Bài viết của Victoria cung cấp nhiều lý giải quan trọng về vai trò của cá cha trong việc đem lại sự ổn định cho bầy cá cũng như làm cách nào để nuôi dưỡng thành công các giống Betta cảnh theo phương pháp này.

Bài viết cùng thể loại:

Làm thế nàođể đạt hiệu quả cao khi ép cá
Cách ép và chăm sóc cá bột betta đơn giản mà hiệu quả nhất

Giới thiệu một cách cho ép cá betta

Ép cá bét ta những vấn đề gặp phải

Chọn cá betta giống cho sinh sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét