Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Loại màu ánh kim “mới”ở cá betta

Vào năm 2002, các nhà lai tạo Thái Lan đã bán ra thị trường một loại cá Betta splendens mới. Những con plakat đầu tiên này có màu metallic rất khác biệt. Các nhà lai tạo cá betta vốn đã quen thuộc với một số màu ánh kim trước đó. Chẳng hạn, các màu xanh dương, xanh thép và xanh lục là những màu ánh kim đã được các nhà lai tạo trên toàn thế giới biết đến từ rất lâu rồi. Màu metallic mới khác hoàn toàn so với ba màu đã biết kể trên, và nhanh chóng được gọi bằng đúng cái tên vốn được sử dụng khi chúng xuất hiện trên thị trường lần đầu, màu đồng.
Hình 1. Đuôi lấp lánh ở cá màu đồng. Ảnh của tiến sĩ Rosalyn Upson.
Một số người gọi loại cá này bằng một cái tên khác. Khi chúng mới xuất hiện và đôi lúc sau này, một vài nhà lai tạo và kinh doanh cá gọi chúng là cá “imbellis”. Cá Betta imbellis là dạng hoang dã của cá Betta splendens, chắc chắn đó không phải là một loài mới[1], tên này ám chỉ rằng loại màu mới hình thành bằng việc lai xa với cá hoang dã. Lập luận này được củng cố bằng một thực tế rằng những con cá đầu tiên hãy còn dính chút màu đỏ và mức độ lan của màu ánh kim còn hạn chế, có lẽ đó là thế hệ lai đầu tiên với cá hoang dã.

Loại màu metallic mới xuất hiện lần đầu ở cá plakat, trong vòng vài tháng nó được lai với những dạng betta cảnh vây dài phổ biến khác. Sau hai năm rưỡi, màu này xuất hiện dưới dạng kết hợp với tất cả những màu sắc và hoa văn đã biết ở cá betta. Bên cạnh màu đồng metallic, chúng ta còn thấy màu xanh lục metallic, trắng đục metallic, vàng metallic, cambodian metallic, metallic đen viền và … Trong một số trường hợp, hiệu quả đạt được đặc biệt nổi bật. Cá màu trắng đục vốn có màu trắng toàn thân và rất nổi bật; nhưng màu trắng đục metallic không chỉ trắng mà còn lấp lánh nữa. Màu xanh luôn thể hiện một dải cấp độ màu sắc nhưng màu xanh metallic sẽ làm dải này rộng lên rất nhiều, đáng chú ý nhất, nó làm màu xanh tươi lên điều vốn là nhược điểm ở cá xanh lục bình thường.

Lời đồn đoán ở trên có lẽ xuất phát từ những nhà sinh học. Màu đồng dường như được tạo ra bằng việc lai tạp với cá hoang dã, điều cho phép suy đoán rằng một alen (tức nhân bản của gen) vốn chỉ tồn tại ở cá hoang dã đã được lai vào các dòng cá cảnh. Điều này có thể xảy ra và không có gì ngạc nhiên, quá trình hình thành các dòng cá cảnh chính là việc lai cận huyết lâu đời mà nó chắc chắn đã triệt tiêu những gen vốn hiện diện ở cá hoang dã. Lập luận này được hỗ trợ bởi một thực tế rằng màu này có tính trội và nó dường như có thể kết hợp một cách tự do với bất kỳ màu nào khác. Đó là một bước ngoặt quan trọng đánh dấu việc chúng ta đang sở hữu một gen mới, mà nó có thể tạo ra một màu mới hay làm màu đó nổi bật hơn.

Giả sử những lập luận ở trên là đúng, dĩ nhiên là không thể khác được. Việc giải quyết vấn đề một cách đúng đắn đòi hỏi chúng ta phải xác định được màu cấu trúc hay sắc tố chịu trách nhiệm tạo nên màu sắc, tiếp theo đó là việc thiết lập một tập hợp gồm những hướng dẫn lai tạo thực tiễn thật cụ thể để xác định cách thức di truyền của dòng cá đang nghiên cứu. Tôi sẽ giải quyết vấn đề đầu tiên trong bài này và báo cáo về kết quả lai tạo trong những bài viết sau.

Lần đầu thấy cá màu đồng xuất hiện trên mạng www.aquabid.com, tôi đã mua hai cặp. Một cặp tôi giữ để lai tạo còn cặp kia tôi gửi cho tiến sĩ Rosalyn Upson, người đồng hành với tiến sĩ Gene Lucas, là nhà khoa học tham gia nghiên cứu về sắc tố ở cá betta tích cực nhất hiện nay. Rosalyn quan sát những con cá này và phát biểu rằng chúng có mật độ tế bào ánh kim rất cao, phản chiếu ánh sáng trong tầm bước sóng từ vàng đến vàng – xanh lục.

Quý vị độc giả có thể nhớ lại nội dung bài viết lần trước của tôi rằng màu sắc ở cá betta được hình thành nhờ hai loại tế bào sắc tố khác biệt. Một số loại tế bào chứa sắc tố, tức chất hóa học phản xạ với một màu nhất định và hấp thu những màu còn lại. Một số loại tế bào khác tạo ra màu sắc không bởi tính chất hóa học mà bởi tính chất vật lý tức ánh sáng được phản xạ từ những màng tinh thể mỏng vốn không màu. Như mô tả dông dài ở bài trước, đấy là những màu cấu trúc và loại tế bào chứa những lớp tinh thể như vậy được gọi là tế bào ánh kim. Trước khi màu đồng xuất hiện, các nhà lai tạo chỉ có thể làm việc với ba loại tế bào ánh kim: xanh bước sóng ngắn (xanh thép), xanh bước sóng dài (xanh dương) và xanh lục. Tiến sĩ Upson phát biểu rằng cá màu đồng bao gồm những tế bào ánh kim mà chúng phản xạ ánh sáng ở một dải hoàn toàn khác trong tầm ánh sáng khả kiến, tức từ bước sóng màu vàng đến vàng – xanh lục.

Loại màu ánh kim như vậy xuất hiện một cách phổ biến trong quá trình tiến hóa. Vẫn những thành phần vật liệu (các tấm tinh thể) tham gia vào việc tạo nên tế bào ánh kim xanh dương có thể tạo nên tế bào ánh kim vàng lấp lánh đơn giản bằng việc thay đổi khoảng cách giữa từng tấm với nhau, do vậy những bước sóng mới được thiết lập và những bước sóng khác bị suy giảm hay triệt tiêu. Chắc chắn rằng loại tế bào ánh kim vàng lấp lánh rất phổ biến ở rất nhiều loài cá, đặc biệt là những loài sống ở các rặng san hô.

Các bức hình về cá màu đồng của tiến sĩ Upson được đánh số từ 1 đến 3. Hãy lưu ý đến mức độ lấp lánh cao từ màu vàng đến vàng-xanh lục ở con cá đặc biệt này. Nó có gen xanh thép kết hợp với gen metallic, quan sát dưới kính hiển vi cho thấy rằng những tấm tinh thể lấp lánh màu vàng làm cho cá ngả sang màu đồng hơn là màu xanh thép. Kỹ thuật được tiến sĩ Upson ưa chuộng là nuôi cấy tế bào sắc tố để nghiên cứu. Bà phân lập những tế bào lấy ra từ một mẩu đuôi và đặt chúng vào đĩa nuôi cấy mô. Các tế bào phát triển trên bề mặt đĩa cho phép bà quan sát chúng một cách chi tiết. Khi nói về những tế bào ánh kim vàng lấp lánh, bà lưu ý rằng “chúng hầu như tròn và có kích thước khác nhau từ rất nhỏ đến rất to. Chúng cũng chứa những tấm tinh thể nhỏ hơn rất nhiều nên trông chẳng giống với loại “xúc xích” mà tôi thường thấy [ở các tế bào ánh kim xanh dương và xanh lục]. Các loại tế bào ánh kim khác thường có hình dạng bất kỳ, điều mà tôi không hề thấy ở tế bào ánh kim vàng vì chúng luôn rất tròn”.

Hình 2. Vảy lấp lánh. Ảnh của tiến sĩ Rosalyn Upson.
Hình 3. Màu ánh kim lấp lánh xung quanh mắt ở cá màu đồng. Ảnh của tiến sĩ Rosalyn Upson.
Sau khi nghe ý kiến của tiến sĩ Upson, ngay lập tức tôi ép vài bầy cá, vì thế mà tôi phải xây dựng phòng nuôi cá riêng ở ngay phòng thí nghiệm của mình và kiểm chứng những phát hiện của bà. Cá cha mẹ màu đồng và bầy con của nó hiển thị màu vàng ánh kim rất khác nhau vì Rosalyn lưu ý rằng mức độ ánh kim không chỉ thay đổi một cách đáng kể ở mỗi con cá, mà còn ở từng bộ phận khác nhau trên mình cá. Tế bào ánh kim ít xuất hiện ở phần gốc của các vây. Chúng xuất hiện đặc biệt nhiều dọc theo các tia vây đuôi, ở gốc đuôi, dọc theo mặt bụng và nhất là ở phía dưới và xung quanh các hốc trên cơ thể. Sự xuất hiện của tế bào ánh kim ở mặt bụng là cần thiết, nhiều loài cá có những mảng lấp lánh ở mặt bụng để cá săn mồi theo dõi chúng từ bên dưới không thể phân biệt được chúng với luồng ánh sáng từ bên trên chiếu xuống.

Do vậy, cá màu vàng thể hiện sự khác biệt đáng kể về số lượng, kích thước và phân bố của các tế bào ánh kim không còn là điều ngạc nhiên nữa. Trong các cuộc triển lãm cá betta, kích thước và khoảng cách đồng nhất giữa các tấm tinh thể ở những cá thể và sự đồng dạng giữa những cá thể dường như là kết quả của một quá trình tuyển chọn màu sắc lập đi lập lại qua hàng ngàn thế hệ. Không có gì ngạc nhiên nếu những gen mới phát hiện có tác dụng cản trở hay khuyến khích mức độ khác biệt ở màu mới. Các nhà lai tạo nên chủ động ghi nhận sự khác biệt này ở bầy cá lai của mình.

Hiện tại, chúng ta đã hiểu rõ về những gì tạo nên màu đồng, chúng ta có thể kiểm chứng ý kiến cho rằng chúng bắt nguồn từ việc lai xa với cá hoang dã. Cần tìm hiểu xem những tài liệu trước đây về cá hoang dã đã từng ghi nhận về sự hiện diện của tế bào ánh kim vàng lấp lánh hay chưa. Vào năm 1947, tiến sĩ George Myers viết rằng cá đực “có màu từ nâu đến đen, và những điểm lấp lánh màu vàng ánh kim li ti ở hai bên mình trông giống như vụn kim cương rải trên nền lụa đen. Vây lưng xòe rộng như cái quạt với màu vàng ánh kim sáng, kèm theo những vạch đen. Đuôi tròn, xòe rộng như cái quạt với màu đỏ tươi, viền đen, và dọc theo nan quạt là những vạch rộng, màu vàng hoàng yến, sặc sỡ, chúng ánh lên màu xanh lấp lánh mỗi khi cá đảo mình và ánh sáng chiếu vào từ hướng khác”. Trong luận văn tiến sĩ vào năm 1969, Gene Lucas cũng ghi nhận màu vàng ánh kim ở cá hoang dã “khi ánh sáng chiếu vào từ phía trước và bên trên, vây lưng cá có màu ánh kim vàng xanh lục… Màu vàng thường không hiện rõ nhưng đôi khi vây lưng của cá lại đổi từ màu xanh lục thành màu vàng” (trang 94). Tôi có thể kiểm chứng phát biểu này bằng cách quan sát cá Betta imbellis trong phòng nuôi cá của mình. Betta imbellis chắc chắn có tế bào ánh kim vàng lấp lánh và chúng tập trung dọc theo các tia đuôi, gốc đuôi, mặt bụng, những điểm lấp lánh ở trên một số vảy, phía trên và dưới trục thân và tại gốc vây lưng. Phát hiện này ám chỉ mạnh mẽ rằng alen tạo ra tế bào ánh kim vàng không phải là một đột biến mới, mà là một alen tổ tiên vốn bị biến mất khỏi những cá thể thuần dưỡng hiện đại.

Nếu lập luận này chính xác, chắc chắn mọi người sẽ rất ngạc nhiên là tại sao màu này không hề xuất hiện trước đây và lôi cuốn sự quan tâm của các nhà lai tạo. Đúng ra thì nó đã từng xuất hiện, điều đó có thể được khẳng định thông qua hình ở trang 95 trong quyển sách kinh điển của Walt Maurus, hình mô tả một cách rõ ràng con cá mask metallic! Một lần nữa, điều được coi là mới ngày hôm nay chẳng qua là thứ bị lãng quên ngày hôm qua mà thôi.

Kể từ bây giờ, tôi nghĩ rằng chúng đã được công nhận. Đặc biệt, sự xuất hiện tế bào ánh kim vàng lấp lánh đem lại một cơ hội thực sự cho các nhà lai tạo, không chỉ là sự hiện diện của màu đồng, mà còn là ảnh hưởng mà nó đem lại trong việc cải thiện các màu sắc khác chẳng hạn như các màu xanh lục, trắng đục và cambodian. Thậm chí, chúng ta có thể mong đợi những kết hợp màu sắc mới ở cá nhị sắc và bướm, nơi mà mức độ tương phản giữa các màu là đặc biệt cần thiết. Hội đồng Betta Quốc tế (IBC) đã phản ứng nhanh chóng để phù hợp với xu hướng mới, thiết lập những thể loại dự thi mới cho cá đực và cá cái metallic nền đậm trong mùa triển lãm này. Hy vọng là từ giờ trở đi, màu metallic sẽ được duy trì và tận dụng mọi tiềm năng của nó.

Ghi chú (VNRD)
[1] Tiến sĩ Leo Buss đã nhầm lẫn vì hai tên khoa học khác nhau Betta imbellisBetta splendens tự chúng đã nói lên một điều rằng đấy là hai loài (species) hoàn toàn khác biệt. Mặt khác, ông (và nhiều tác giả khác như Victoria Parnell và Joep Van Esch) cũng ám chỉ rằng cá Betta splendens bao gồm cả cá hoang dã lẫn betta cảnh. Cá betta cảnh hay betta thuần dưỡng là cá lai tạp qua nhiều đời và không thể truy cứu nguồn gốc nên không thể được coi là một loài thuần chủng. Theo tôi, Betta splendens là tên khoa học chỉ dùng để gọi loài betta hoang dã mà thôi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét