Hình 1: cấu tạo của tia vây. (Laforest, L., và cộng sự 1998. Development 125:4175-4184). |
Câu chuyện thành công nhất trong số đó là phát hiện của tiến sĩ Gene Lucas về gen trắng đục (opaque) và ứng dụng gen này để tạo ra dòng cá betta trắng. Những thành công đáng chú ý gần đây là việc phát hiện ra màu cam của Gilbert Limhengco và như tôi đã đề cập ở bài trước, sự phát triển của dạng vây halfmoon.
Hình 2: hình dạng vây lưng từ (A) cá Betta splendens hoang dã, (B) cá đá đuôi ngắn, (C) cá plakat cảnh, và (D) cá betta đuôi dài. |
Cấu tạo vây lưng
Vây lưng, tức vây cao nhất, bao gồm hai loại tia vây. Một số những tia vây đầu tiên là gai vây hay tia xương. Nằm ở vùng chuyển tiếp, các gai vây ngắn, cứng và không phân nhánh. Tiếp theo các gai vây là một số tia vây mềm gọi là lepidotrichia. Những tia này được được tạo ra bởi những đoạn xương hình ống chứa các mạch máu và dây thần kinh (hình 1). Kiểu cấu tạo gồm nhiều đoạn này giúp cho tia vây mềm mại. Không giống như gai vây, tia vây mềm có thể phân làm đôi để tạo ra các nhánh nhị cấp, tam cấp hay thậm chí tứ cấp. Theo quy ước, các nhà khoa học ký hiệu gai vây bằng số La Mã và ký hiệu tia vây bằng số thường. Do đó, bản mô tả ban đầu của C. T. Reagan (1909. Họ cá rô châu Á Anabantidae. Proc. Zool. Soc. Lond. 767-787) về loài Betta splendens ký hiệu I-II/7-10, nghĩa là ông quan sát thấy loài này có từ 1 đến 2 gai vây và từ 7 đến 10 tia vây mềm.
Hình 3: vây lưng của cá betta đuôi dài minh họa cho tác dụng của gen đuôi kép đối với vây lưng. Trong đó, (A) không có alen đuôi kép nào, (B) một alen, và (C) hai alen đuôi kép. |
Tác dụng của gen đuôi kép
Các nhà lai tạo đều biết rằng gen đuôi kép có thể được dùng để tạo ra vây lưng với số lượng tia vây nhiều hơn. Gen đuôi kép là loại gen đột biến rất nổi tiếng đối với các nhà di truyền học, chúng tạo ra hiệu ứng sao chép gương. Ở cá đuôi ngắn bình thường, vây lưng có kích thước và hình dạng khác xa so với vây hậu môn. Cá đuôi kép sao chép đuôi, dẫn đến việc thay thế vây lưng (phần trên) bằng bản sao của vây hậu môn (phần dưới). Nếu bạn hình dung một mặt phẳng kéo dài từ đầu cho đến gốc đuôi, những cái vây ở các hướng đối diện sẽ đối xứng với nhau qua mặt phẳng như hình trong gương.
Gene Lucas cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy đặc điểm đuôi kép được tạo ra bởi một gen lặn (1968. Nghiên cứu về các biến thể ở cá đá Xiêm Betta splendens, dựa trên sự đột biến màu sắc và xác định giới tính. Luận văn tiến sĩ tại đại học bang Iowa). Tôi xin lưu ý bạn đọc rằng mỗi gen bao gồm 2 bản sao, một bản từ mẹ và một bản từ cha. Những bản sao này được gọi là alen. Có hai loại alen trong gen đuôi kép, alen hoang dã (+) và alen đột biến (dt). Cá mang hai bản sao của gen hoang dã ++ sẽ có đuôi đơn, trong khi cá mang hai bản sao của gen đột biến dtdt sẽ có đuôi kép. Cá mang gen dị hợp tử +dt sẽ có đuôi đơn nhưng vây lưng sẽ to với nhiều tia vây hơn so với cá đồng hợp tử ++.
Hình 4: Vây lưng cá halfmoon lý tưởng. Theo chỗ tôi biết, chưa con betta nào đạt được như vậy. |
Hình dạng vây lưng ở cá betta mà chúng ta thấy ngày nay, một phần được kế thừa từ tổ tiên, một phần phản ánh mục tiêu mà các nhà lai tạo đang phấn đấu để đạt được. Yếu tố sau được xác định bởi "Tiêu chuẩn đánh giá" của Hội đồng betta quốc tế (IBC). Như vậy, việc tìm hiểu về các tiêu chuẩn của IBC đối với vây lưng là điều cần thiết.
Hình 5: Sơ đồ vây lưng (A) cá của Sean Mahabir và (B) cá halfmoon của chính tôi. Lưu ý các tia vây phân nhánh rất nhiều. |
Tiêu chuẩn thứ hai được áp dụng cho tất cả các vây, đó là "những tia vây phải thẳng và phát triển song song" - (Chương 5, Phần cải tiến, trang 18). Tiêu chuẩn này thường được diễn giải bởi các trọng tài rằng vây lưng phải đều và dài, tức là tia vây đầu tiên phải dài bằng với tia vây thứ hai, tia vây thứ hai dài bằng với tia vây thứ ba, và cứ như vậy. Vây lưng cá đuôi kép cũng có đặc điểm này bởi vì các tia ở vây hậu môn có chiều dài gần như nhau. Để so sánh, ví dụ như vây lưng ở hình 2 A-C so với hình 3B. Vây hậu môn có hình dạng vuông vức với đa số các tia vây song song và không phân nhánh. Rồi gen đuôi kép sao chép các tia song song lên vây lưng như hiện hữu ở hình 3B.
Tiêu chuẩn đánh giá của IBC đối với vây lưng được xây dựng theo xu hướng khuyến khích việc sử dụng gen đuôi kép. Đối với nhà lai tạo, vây lưng được cải thiện một cách dễ dàng; họ chỉ cần lai tạo để cá mang một alen đuôi kép là có thể đảm bảo vây lưng đạt được chất lượng vượt trội so với cá thiếu gen này.
Blois, Pháp, 2001
Tôi đã suy nghĩ về hình dạng của vây lưng kể từ mùa thu năm 2001 khi tôi cùng với nhà lai tạo danh tiếng người Thụy Sĩ Rajiv Masillamoni làm trọng tài trong cuộc triển lãm thường niên ở Blois, Pháp. Độc giả có thể nhớ lại bài viết sau cùng của tôi về vai trò quan trọng của Rajiv trong sự phát triển của dòng cá halfmoon; mọi người có thể biết về Rajiv qua các quyển sách nổi tiếng của ông (Masillamoni, R. và Schmidt, J. 1998. Schleierkampffische. Bede-Verlag; Gonella, H. và Masillamoni, R. 1997. Kampffische. Bede-Verlag). Vài trong số những con cá nổi bật tại triển lãm thuộc về một nhà lai tạo cá bảy màu Alan Genet, người mới bắt đầu tập trung nuôi cá betta gần đây. Rajiv và tôi, cả hai đều bị bất ngờ với vây lưng cá của ông, đặc biệt là khi nó xòe ra và vỗ vỗ trông giống như cây quạt Nhật Bản. Alan tặng Rajiv một số cá của mình và chắc chắn rằng vài con đã đóng góp vào bộ gen di truyền của dòng cá mà tôi đang có bây giờ.
Trên chặng đường dài từ nơi triển lãm về nhà Rajiv ở Thụy Sĩ, chúng tôi thảo luận về những con cá này. Sau khi được bố trí trong phòng nuôi cá của Rajiv, cuối cùng chúng tôi có thể ngắm chúng thỏa thích. Ngay khi còn non, cá của Genet đã có mức độ phân nhánh vây lưng khác thường và viền ngoài có hình tròn. Không nghi ngờ gì nữa, những nhà lai tạo khác đã từng thử nghiệm trên vây lưng trước khi tôi nghĩ về điều này.
Điều mới kế tiếp
Trên thực tế, tiêu chuẩn của IBC rất dễ đạt được chỉ với một gen duy nhất có nghĩa là các nhà lai tạo không được khuyến khích để phát triển vây lưng. Nối tiếp ý tưởng phát sinh từ phòng nuôi cá của Rajiv, tôi cho rằng chúng ta có thể cải thiện sự đối xứng của vây lưng và sự phân nhánh của các tia vây.
Một cách để liên tưởng về điều này là tự hỏi xem còn điều gì chưa đạt khi áp dụng gen đuôi kép. Tia vây lưng ở cá mang gen đuôi kép hiếm khi nào phân nhánh (chẳng hạn như hình 3B). Sự phân nhánh nếu có chỉ giới hạn ở một vài tia vây nằm ở phía sau và cũng chỉ đơn giản phân đôi. Kiểu phân nhánh đa cấp tức những nhánh con tiếp tục tự phân nhánh như ở đuôi của cá halfmoon hiếm khi xuất hiện ở vây lưng.
Một đặc điểm còn thiếu ở vây lưng đó là sự đối xứng tròn. Việc áp dụng gen đuôi kép làm tăng độ vuông của vây lưng khiến cho cá trông rất khác biệt. Hãy quan sát hình dạng vây lưng của cá plakat cảnh hiện đại (hình 2C). Qua khảo sát loại vây lưng này cho thấy chiều dài của một số tia vây phát triển tối đa, sau đó giảm dần. Thường thì tia vây dài nhất không nằm ngay chính giữa mà hơi lùi về phía sau. Độ rộng của màng vây giữa các tia vây và sự phân nhánh của tia vây ở phía sau lớn hơn ở phía trước, do đó hình dáng tổng thể của vây lưng là một phần của nửa vòng tròn.
Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng ra rằng một vây lưng lý tưởng phải có hình bán nguyệt, với các tia vây dài và phân nhánh thật nhiều. Tôi nghĩ về con cá có vây lưng trông tương tự như ở hình 4. Loại vây lưng như vậy không hề tồn tại vào thời điểm này; đây chỉ là hình vẽ dựa trên sự tưởng tượng của tôi mà thôi. Hiển nhiên đó là mục tiêu mà tôi cho là có thể đạt được thông qua việc lai tuyển chọn một khi người ta có ý tưởng về nó.
Điều kiện sinh học
Để sáng tạo điều gì mới không những cần xác định được mục tiêu mà còn phải đáp ứng các điều kiện sinh học. Trước hết, những gen cần cải thiện nhất định phải hiện diện. Đặc biệt, nếu bạn muốn tạo ra vây lưng đối xứng có hình bán nguyệt và không vuông vức, thì bạn phải kiếm được cá có vây tròn và không vuông vức để lai với. Tương tự, nếu bạn muốn tạo ra vây lưng có tia vây phân nhánh thật nhiều, thì cá có tia vây lưng phân nhánh nhất định phải hiện diện. Chìa khóa cho việc cải thiện một đặc điểm đó là chọn cá giống có đặc điểm gần nhất với đặc điểm mà bạn mong muốn rồi cải tạo qua nhiều thế hệ cho đến khi đạt được mục đích.
Sự hiện diện của một biến thể vẫn chưa đủ. Biến thể đó phải rất đặc biệt. Biến thể bao gồm hai yếu tố, di truyền và môi trường. Một ví dụ về biến thể môi trường đó là màu nền của môi trường nơi cá sinh sống sẽ ảnh hưởng lên màu sắc của chúng. Cá sống ở môi trường tối trông sẽ đậm hơn so với cá sống ở môi trường sáng hơn. Vậy lai tạo cá trưởng thành xuất phát từ môi trường tối sẽ không đảm bảo rằng bạn có thể cải thiện được dòng cá đen. Một khi cá con được nuôi trong môi trường sáng sủa, màu sắc của chúng sẽ không cải thiện gì nhiều so với tổ tiên của mình. Những biến thể dùng để cải thiện dòng cá phải mang các đặc điểm di truyền. Như vậy, chỉ những đặc điểm di truyền là phù hợp.
Đặc điểm di truyền có thể không tồn tại. Ví dụ, nếu bạn muốn tạo ra cá betta có hai vây lưng, bạn có lẽ sẽ không bao giờ thành công bởi vì bạn không thể kiếm ra cá có đặc điểm di truyền với số lượng vây lưng như vậy. Vậy làm sao người ta biết được rằng mục tiêu của mình là khả thi, hay làm sao người ta biết được rằng biến thể di truyền có tồn tại để mà chọn lọc? Thât không may, các nhà sinh học chuyên nghiệp không có các "nguyên tắc dự đoán" rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có một nguyên tắc tương đối chấp nhận được. Bạn nên biết rằng thú vật có khả năng xây dựng một cấu trúc ban đầu, và thường là chúng có khả năng cải thiện cấu trúc đó. Ví dụ, bạn biết rằng tia vây có khả năng phân nhánh, như vậy biến thể di truyền về sự phân nhánh tia vây nhiều (hay ít) hơn có tồn tại. Xin nhấn mạnh rằng nguyên tắc này không luôn đúng nhưng thường được áp dụng một cách hiệu quả trong việc tạo ra nhiều hay ít hơn những thành phần vốn đã có sẵn.
Chuyện đó đây
Trở lại mục tiêu mà tôi đề ra - về vây lưng của cá halfmoon - có lý do để tối ưu hóa nó. Rất nhiều chi tiết cần được cải thiện. Trước tiên phải thực hiện hai nhiệm vụ. Thứ nhất, người ta cần cải thiện dạng vây lưng vuông vức, song song và trông giống như vây hậu môn của cá đuôi kép thành dạng vây lưng tròn trịa hơn. Cá plakat cảnh hiện đại vốn có hình dạng vây lưng như vậy. Người ta hy vọng có thể tạo ra dạng vây lưng tròn một cách nhanh chóng bằng việc lai chúng với cá plakat, cho dù việc tạo ra những tia vây thật dài ở vây lưng không hề đơn giản đối với các nhà lai tạo cá halfmoon như ở đuôi.
Nhiệm vụ thứ hai là cải thiện sự phân nhánh của tia vây. Đây có lẽ là thách thức lớn hơn nhưng đã có hàng loạt dòng cá halfmoon với tia vây lưng phân nhánh một cách đáng kể. Hình 5 mô tả hai vây lưng với một số tia vây. Vây lưng đầu tiên là cá trắng phấn của nhà lai tạo Sean Mahabir ở Colorado và vây lưng còn lại là dòng cá đen viền - đỏ bướm của tôi. Cả hai đều có các tia vây phân nhánh mạnh (bốn nhánh con). Cho dù sự phân nhánh tia vây có tồn tại, để làm cho chúng phân nhánh một cách đối xứng dọc theo trục chính thực sự là một thách thức.
Vậy gen đuôi kép có đóng góp vào việc hoàn thiện vây lưng của cá halfmoon lý tưởng? Tôi tin là vậy. Mặc dù gen đuôi kép có một vài hiệu ứng không được như ý về sự đối xứng và phân nhánh tia vây, nhưng sự gia tăng đáng kể số lượng tia vây sẽ không bao giờ đạt được nếu không sử dụng nó. Sau cùng, sự kết hợp tối ưu bao gồm hình dạng vây lưng tròn như ở cá plakat, sự phân nhánh tia vây như dự đoán ở hình 5, và số lượng tia vây được tạo ra nhờ gen đuôi kép.
Các nhà lai tạo cá betta liên tục cải thiện cá của mình với những kết hợp về màu sắc và hình dạng mới. Cho dù hình dạng vây lưng lý tưởng ở đây có mãi là điều phi hiện thực, chúng ta cần khẳng định rằng dù là ngoài trang trại hay trong phòng nuôi cá, các nhà lai tạo cần nhận thức được sự cách tân, hình dung ra những gì phải thực hiện để đạt được điều đó, tiến hành lai chọn lọc, và một lần nữa khiến mọi người phải kinh ngạc về những biến thể dường như vô tận mà loài sinh vật này có khả năng thể hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét