Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Giới thiệu một cách cho ép cá betta

A.) Hộp nhựa cho cá đẻ. B.) Hộp nuôi dưỡng cá bột. C.) Hộp nuôi dưỡng cá con. D.) Lọ nuôi trùng cỏ.
Cá con mới đẻ nằm trên tổ bọt.
Đây là cách mà tôi cho cá Betta sinh sản và luôn thành công. Ở nhà tôi có rất nhiều hộp nhựa rẻ tiền đựng đồ mua từ siêu thị như Wal Mart. Chúng có kích thước khoảng 90 x 60 x 12.5 cm. Tôi có loại hộp nhựa trong và đổ đầy khoảng 10 cm nước. Tôi chỉ thêm vào chậu một ít rong tươi (java moss hay fern) và một cái nắp nhựa nổi trên mặt nước để cá đực có chỗ nhả bọt.

Tất cả những gì tôi chuẩn bị là rửa sạch hộp, đổ nước vào và khử chlor. Tôi không sử dụng đầu nhiệt bởi vì nhiệt độ trong phòng luôn được điều chỉnh từ 26 đến 30 độ C. Sau khi bỏ rong, tôi bật đèn liên tục trong nhiều ngày để làm trùng cỏ phát triển và sau đó tôi bỏ cặp cá bố mẹ vào. Đôi khi tôi nuôi thúc chúng nhưng cũng có khi không. Dù sao thì cũng chẳng có vấn đề gì. Tôi sẽ chăm sóc chúng thật tốt sau khi thả vào chậu bởi vì chúng sẽ nhịn ăn trong và sau khi sinh sản. Khi cả hai làm quen với môi trường mới, chúng sẽ bắt đầu vờn lẫn nhau. Betta dường như rất ưa thích môi trường nước thấp như thế này bởi vì cá cái luôn hiện rõ trong tầm mắt cá đực và nó sẽ tập trung vào công việc sinh sản. Nhiều lần cá của tôi sinh sản thật nhanh và hầu như không con nào bị thương. Cũng có con bị rách vây và bong vảy nhưng cũng không có gì nghiêm trọng hơn những cặp sinh sản trong hồ 35 lít. Vấn đề duy nhất đó là bạn luôn phải để mắt đến chúng và bắt cá cái ra ngay một khi nó đẻ xong, nếu không thì con đực sẽ thực sự gây nguy hiểm cho nó.

Tôi đậy nắp hộp, kiểm tra mỗi giờ và bắt cá cái ra nếu nó không chịu đực. Nếu cá đực không có tiền sử ăn con, tôi để nó trong chậu để nó chăm sóc đàn con của mình. Nó được cho ăn bình thường vào giai đoạn này. Cá con không cần cho ăn trong một tuần đầu bởi vì chúng tiêu thụ túi noãn hoàng ở ổ bụng và ăn trùng cỏ có sẵn trong chậu. Sau một tuần, chúng có thể ăn ấu trùng artemia. Làm vệ sinh đáy bồn mỗi ngày, thay chừng 1 lít nước cho đến khi cá đạt 1 tháng tuổi thì đem chúng nuôi trong chậu lớn hơn với một bộ lọc bằng bọt biển. Cá sẽ rất mau lớn và khỏe mạnh.

Cách cho cá sinh sản ở mực nước thấp rất dễ thực hiện nhưng nhà lai tạo cần để ý nhiều đến cá bố mẹ. Nếu cá cái xuất hiện những dấu hiệu lo lắng (nổi sọc dọc) và bị cá đực đe dọa hay ngược lại, hãy tách chúng ra, dưỡng một thời gian trước khi thử lại lần sau. Mặt khác, tôi cũng có một cặp cá chung sống hoàn toàn bình thường trong một thời gian rất dài mà không thể hiện bất cứ sự yêu thích lẫn nhau hay nhả bọt nhưng rồi cuối cùng chúng lại sinh sản. Nếu bạn có một cặp như vậy, hãy nhớ thay nước hàng tuần và cho chúng ăn.

Cá cái có thể chăm sóc con?


Một dãy các hồ cho cá Betta đẻ. Cá Betta cái có khả năng chăm con hay không? và chúng ta có nên để nó làm như vậy?
Cá cái nhả bọt, điều mặc dù bất thường nhưng đôi khi được quan sát thấy bởi những người nuôi cá trên khắp thế giới. Theo quan sát của tôi, những con cá cái nhả bọt thường có đặc điểm như thế này – chúng ở độ tuổi trên 6 tháng và hung dữ hơn cá đực mà nó bắt cặp.

Sự hung dữ và mức độ thành thục luôn đi đôi với nhau bởi vì tôi để ý thấy cá cái bắt đầu có biểu hiện “giống như” cá đực tùy theo độ tuổi, đặc biệt là ở những con ngưng đẻ một thời gian hay chưa bao giờ đẻ. Những con cá cái như vậy thường trở nên hung dữ hơn dù là nuôi theo bầy hay nuôi riêng; chúng phùng mang, giương vi và lắc mình với con cá bên cạnh hay với cá đực. Mặc dù chúng chịu đẻ, nhưng lại quá hung dữ so với cá đực bình thường vốn bối rối trước biểu hiện này ở cá cái mà không chịu nhả bọt. Trong hầu hết trường hợp, những cặp như vậy thường quay ra đánh nhau thay vì sinh sản và cần phải cách ly chúng ra ngay lập tức.

Đôi khi chúng ta thấy cá cái vẫn có biểu hiện bình thường nhưng lại đẻ và nhả trứng không được thụ tinh lên tổ bọt của chính nó. Nó chăm chú làm tổ bọt trong ngày đầu nhưng cuối cùng cũng ăn trứng và để bọt tan hết sau đó.

Tôi thường tự hỏi không biết những con cá cái nhả bọt có là hành vi tự nhiên hay không. Giả sử ngoài tự nhiên có điều gì đó xảy ra cho cá đực sau khi sinh sản mà nó không thể duy trì việc nhả bọt, vậy con cái có thể đảm đương được nhiệm vụ này?

Trong thử nghiệm của mình, tôi sử dụng một con cá cái 5 tháng tuổi. Mặc dù nó chưa hề sinh sản, tôi để ý thấy nó từng nhả bọt và đẻ trứng trong bình nuôi. Nó là con cá lý tưởng để đem thí nghiệm.

Cặp cá bắt cặp và sinh sản theo cách thông thường. Khi cá cái rời khỏi tổ bọt, tôi dùng một ít thức ăn để dụ con đực ra ngoài rồi bất thình lình bắt nó bỏ qua lọ khác (thực tế, con cá đực hầu như vẫn ăn uống như thường khi canh trứng - dường như cá đực chỉ nhịn ăn khi có sự xuất hiện của cá bột. Tôi sẽ nghiên cứu về vấn đề này sau). Bây giờ hãy xem cá cái phản ứng như thế nào với sự mất tích đột ngột của cá đực.

Dường như thí nghiệm đã chứng tỏ được đôi điều. Cá cái cuối cùng cũng rời khỏi nơi trú ẩn, sục sạo xung quanh mặt nước và ăn hết số thức ăn tôi sử dụng để dụ con cá đực ra khỏi tổ. Nó hành động như thể chờ đợi con cá đực xuất hiện và đuổi nó đi; nó tránh xa tổ bọt.

Khi bắt cá đực ra, tôi vô tình làm rớt một vài cái trứng xuống dưới đáy chậu. Con cá cái nhanh chóng phát hiện ra chúng khi nó bơi quanh chậu và đớp vào miệng. Ban đầu nó có vẻ do dự nhưng sau đó nuốt luôn.

Vì không có cá đực xuất hiện nên cá cái dạn dĩ hơn, bơi và xòe vây ngay giữa chậu. Nó phát hiện thấy vết rách ở trên tờ báo mà tôi dùng để che hồ đẻ với bầy cá con ở chậu bên cạnh. Sau đó nó thám sát chậu đẻ lần nữa và cuối cùng dừng lại bên dưới tổ bọt.

Đây là thời điểm của sự thật và tôi quan sát chăm chú xem nó sẽ làm gì. Nó tiến đến bè trứng một cách cẩn trọng và tôi có thể thấy tròng mắt nó đảo quanh, chắc chắn nó đang mong đợi sự xuất hiện của con cá đực. Nhưng cá đực không xuất hiện nên nó dồn hết sự chú ý vào những cái trứng, quan sát cẩn thận nhưng không chạm vào chúng. Sau đó tôi thấy nó có biểu hiện rất thú vị, nó bơi thật nhanh ra khỏi tổ rồi bỗng nhiên dừng lại với vây dựng hết lên trước khi quay về chỗ cũ. Nó dường như muốn báo rằng “Ới anh xã, tổ trứng nhà mình ở đây nè!”. Nhưng cá đực không xuất hiện, nó dường như càng bị kích động, sục sạo nhiều vòng quanh chậu. Cá cái cuối cùng cũng dừng lại dưới tổ bọt. Nó trông có vẻ không muốn chăm sóc tổ trứng nhưng cũng không đành bỏ đi.

Lúc này tôi có việc phải làm. Khi tôi trở lại hai giờ sau đó nó vẫn quanh quẩn xung quanh tổ bọt nhưng bơi tới lui nhủi vào thành chậu. Khi tôi cúi xuống quan sát kỹ hơn, nó có biểu hiện tự vệ bên dưới tổ bọt nhưng vẫn không chạm vào trứng.

Khi tôi kiểm tra lần nữa vào buổi tối, nó đang làm công chuyện ngậm và xắp xếp trứng lên tổ bọt. Tôi để nó ở đó qua đêm xem chuyện gì sẽ xảy ra vào sáng hôm sau.

Vào buổi sáng, tổ bọt được xây rất tốt. Tôi để ý thấy có sự khác biệt giữa tổ bọt xây bởi cá cái so với cá đực. Nó nhỏ hơn. Nó cũng có vẻ kém độ dính, mau tan và dễ vỡ hơn so với tổ xây bởi cá đực. Không sao cả, cá cái đã làm hết sức mình có thể, dàn đều trứng dưới tổ bọt, không giống như hầu hết cá đực vốn thích dồn trứng thành đống.

Mặc dù điều hiển nhiên là cá cái hoàn toàn có thể chăm sóc tổ trứng, có một số khác biệt rõ ràng giữa hành vi của nó so với cá đực. Nó không luôn ở dưới tổ bọt. Nó thường sục sạo xung quanh chậu để tìm thức ăn, sừng sộ qua khe hở với đám cá con ở chậu bên cạnh hay đơn giản là nhủi vào thành chậu. Nó rất háu ăn vì vậy mà tôi bỏ thức ăn mỗi khi cho cá khác ăn. Nó thưởng thức ngấu nghiến trước khi quay lại kiểm tra tổ bọt.

Ngày hôm sau, trứng nở thành cá bột! Khi chăm sóc con, cũng có một số khác biệt giữa cá đực và cá cái. Cá cái không thể giữ con trên tổ bọt tốt như cá đực có lẽ bởi vì bọt của nó yếu, dễ tan và nó cũng không thể hiện cố gắng đặc biệt nào để duy trì tổ bọt. Nhưng nó rất nhanh chóng đớp lấy cá con trước khi chúng rơi xuống đáy, có lẽ bởi vì vây nó ngắn nên xoay trở được lẹ làng hơn. Nó có thể đớp 2-4 con mỗi lần, nếu nhiều hơn thì cá con sẽ tràn ra từ khe mang.

Tôi bắt con cá cái ra trước đêm hôm đó vì cá con bắt đầu bơi được và hầu hết chúng bấy giờ có thể tự núp bên dưới tổ bọt.

Hào hứng vì thành công của cuộc thử nghiệm, tôi bắt đầu thử nghiệm với một vài cá cái và dưới những điều kiện khác. Tuy nhiên, tôi lưu ý rằng bầy cá con được chăm sóc bởi cá mẹ này dường như bị chết rất nhiều trong tuần đầu tiên. Tôi cũng thấy rất nhiều cá bột yếu ớt, chúng nằm ở vị trí thẳng đứng rất lâu trước khi có thể bơi được. Chúng đôi khi chìm xuống đáy chậu và cố ngoi lên mặt nước hay bơi lòng vòng khắp chậu. Tôi không rõ cá đực đã làm gì để bầy cá con được khỏe mạnh (hay là nó sẽ ăn hết những con quá yếu?), chỉ biết ghi lại ở đây.

Trong những thử nghiệm sau tôi sẽ tiếp tục ghi nhận những khác biệt khi để cá cái chăm sóc tổ trứng mà chúng có thể dẫn đến kết luận rằng điều này là không tốt!


Bài viết cùng thể loại:

Làm thế nàođể đạt hiệu quả cao khi ép cá
Cách ép và chăm sóc cá bột betta đơn giản mà hiệu quả nhất

Giới thiệu một cách cho ép cá betta

Ép cá bét ta những vấn đề gặp phải

Chọn cá betta giống cho sinh sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét