Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Lai tạo cá betta đỏ vang

Một trong số những hồi tưởng thú vị nhất của tôi về thú chơi betta là chuyến viếng thăm nhà của Rajiv Massilomoni nhiều năm trước đây. Massilomoni là nhà lai tạo cá betta huyền thoại người Thụy Sĩ. Ông là một trong số những nhà lai tạo chủ chốt góp phần xây dựng dòng cá halfmoon – dòng cá chuẩn mực trong các triển lãm cá betta ngày nay.

Hơn nữa, ông còn là tác giả của hai quyển sách xuất chúng về cá betta ở châu Âu, với nội dung cùng hình ảnh tuyệt vời, và tập trung vào các đặc điểm của một con cá đạt chuẩn triển lãm. Massilomoni cũng là người hỗ trợ lâu dài cho sự phát triển của thú chơi ở châu Âu, có lúc ông là người duy nhất ở lục địa già có bằng trọng tài của Hội Betta Quốc Tế (IBS).

Về sau, hoàn cảnh đưa đẩy tôi gặp ông. Tôi tham dự một hội thảo khoa học ở Đức và kéo dài chuyến đi để viếng thăm Massilomoni. Cả hai chúng tôi đều đến Pháp để chấm điểm cho triển lãm ở vùng nam Paris. Trước khi rời triển lãm, Massilomoni mời tôi đến thăm một nhà lai tạo Thụy Sĩ khác, Jean-Michel Jeannerat. Jeannerat chỉ nói được tiếng Pháp trong khi tôi chỉ nói được tiếng Anh. May thay, Massilomoni nói được tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Sinhala, vì vậy việc trao đổi vẫn thông suốt.

Phát hiện độc đáo
Cá của Jeannerat độc đáo trên nhiều phương diện, nhưng chỉ một loại liên quan đến bài viết này. Tôi bị ấn tượng bởi những con cá đỏ và đỏ black-lace bướm. Điều mà tôi thấy đáng chú ý đó là màu đỏ của những con cá này không như màu đỏ bình thường ở Mỹ hay Thái Lan; thay vào đó, chúng có màu sẫm của rượu vang.

Thông qua phiên dịch, tôi hỏi Jeannerat làm thế nào để tạo ra cá có màu như vậy. Một trong số những điều mà tôi muốn biết đó là anh đã tạo ra cá màu đó từ những gen đã biết hay anh đã phát hiện ra loại gen mới.

Jeannerat không hề áp dụng những kiến thức về di truyền trong lai tạo. Anh hài lòng với việc lai cá này với cá kia để coi xem kết quả như thế nào, chớ không áp dụng những kiến thức trường lớp để đạt được kết quả đặc biệt nào. Thay vào đó, anh dựa vào sự cảm nhận và tự mình tạo ra những con cá xuất sắc. Người ta có thể tạo ra những con vật xuất sắc thông qua sự cảm nhận mà không cần kiến thức khoa học nhưng việc truyền đạt chắc chắn không thể thực hiện được.

Liệt kê thành phần
Jeannerat không thể mô tả làm cách nào mà anh tạo ra được cá betta đỏ vang – đơn giản là anh có nó. Sau chuyến đi đó, tôi nghĩ hoài về những con cá đỏ vang của Jeannerat. Suy nghĩ cặn kẽ, tôi thấy mọi thứ đều rõ ràng. Cá đỏ vang của Jeannerat chỉ là sự kết hợp của vài loại gen đã biết.

Cá betta đỏ vang của Jeannerat là loại cá đuôi dài, black-lace, nền sẫm, đỏ toàn thân, không ánh kim. Mỗi điểm cần cải tiến đều liên quan đến một kiểu gen (tức di truyền) của một gen đơn, và sự kết hợp của 5 kiểu gen liên quan trong cùng một con cá sẽ tạo ra cá betta đỏ vang.

Bảo chứng cho tuyên bố này của tôi xuất phát từ việc tạo ra những con cá như vậy. Nên nhớ rằng chúng ta có hai bản sao của cùng một gen – một từ mẹ và một từ cha – gọi là alen. Trước tiên, chúng ta bắt đầu với cá nền sẫm. Nền sẫm được hình thành nhờ sở hữu một hay hai alen hoang dã so với gen cambodian. Cá có hai bản sao gen cambodian sẽ có nền nhạt. Cá có một hay không có alen cambodian nào sẽ có nền sẫm.

Khởi sự với màu đỏ
Nên khởi đầu bằng một con cá đỏ toàn thân. Màu đỏ nền sẫm – tức lớp màu đỏ phủ bên trên lớp màu đen – là tốt nhất. Màu đỏ nền sẫm là rất cần thiết nhưng tôi bắt đầu với màu đỏ còn bởi vì màu đỏ bao gồm hai gen cũng không kém phần quan trọng. Cá hoang dã có màu đỏ trên vây nhưng lại không có màu đỏ trên thân.

Đột biến đỏ toàn thân làm màu đỏ lan khắp mình cá, cả thân lẫn vây. Đỏ toàn thân là gen lặn có nghĩa rằng cá chỉ đỏ một khi nó mang hai alen đỏ toàn thân. Vì vậy, lai tạo dựa trên cá đỏ đồng nghĩa với việc cần phải có không chỉ gen nền sẫm mà còn đồng hợp tử của gen đột biến đỏ toàn thân.

Thuận lợi của việc bắt đầu bằng cá đỏ không dừng lại ở đó. Dòng cá đỏ vốn được hạn chế tối đa màu ánh kim. Mức độ dính màu ánh kim cũng phụ thuộc vào di truyền. Đột biến ánh kim toàn thân khiến các tế bào ánh kim lan ra toàn thân cá. Cá hoang dã thể hiện mức độ phân bố ánh kim hạn chế và đột biến đỏ toàn thân khiến phân bố lan rộng. Vì thế, các dạng màu tươi như xanh dương, lục hay metallic đều mang hai alen đột biến. Những con (như cá đỏ) mang hai alen hoang dã thể hiện mức độ phân bố ánh kim hạn chế.
Nếu bạn muốn lai tạo cá betta đỏ vang, hãy bắt đầu bằng cá đỏ. Đấy là cách nhanh nhất để kết hợp những đặc điểm di truyền cần thiết cho dòng cá đỏ vang thuần.
 Bên cạnh màu đỏ
Vì vậy, khi bắt đầu bằng cá đỏ chúng ta đã có sẵn ba kiểu hình và cấu trúc di truyền đàng sau mà chúng ta muốn cải thiện; đó là nền sẫm (gen cambodian), không ánh kim (gen phân bố màu ánh kim) và đỏ (gen đỏ toàn thân). Vấn đề còn lại là bổ sung tác động của gen đột biến black-lace vào gen đỏ. Gen black-lace là đột biến được điều khiển bởi một gen đơn mà nó làm gia tăng sự phân bố và mật độ tế bào hắc sắc tố - chúng làm cá có màu đen – trên thân và vây cá. Không nên nhần black-lace với melano. Melano là dạng đột biến khác vốn cũng ảnh hưởng đến sự phân bố và mật độ tế bào hắc sắc tố.

Melano khiến cá có màu đen hơn so với black-lace. Nhưng khác với black-lace, melano dường như tác động lên sự phân bố của sắc tố đỏ. Gen đột biến black-lace khiến thân và vây cá sẫm màu. Đây là gen trội, nghĩa là chỉ cần một alen của gen đột biến black-lace cũng khiến cá có nền sẫm.

Lai tạo cá betta đỏ
Để lai tạo cá betta đỏ vang, chúng ta cần lai cá đỏ với black-lace. Ở thế hệ đầu tiên, chúng ta chưa thu được cá đỏ vang mà toàn là cá nhị sắc vây đỏ nền sẫm. Màu đỏ sẽ không tươi như đỏ hồng đào nhưng đậm và dày gần như màu rượu vang. Đây là những con cá rất khác biệt và dường như rất phù hợp với dòng cá plakat.

Còn bây giờ hãy xem xét cấu trúc di truyền của bầy lai này. Cá bố mẹ đều có rất ít màu ánh kim nên đều là đồng hợp tử của gen hoang dã về phân bố màu ánh kim. Không có con cá nào dính nhiều ánh kim.

Tương tự, cá bố mẹ đều có thân nền sẫm vì vậy không con cá con nào có thân nền nhạt. Tất cả cá con đều mang một alen black-lace và một alen hoang dã. Bởi vì gen này là gen trội nên cả thân và vây đều có nền sẫm.

Sau cùng, tất cả cá đều có một alen của gen đột biến đỏ toàn thân. Bởi vì đây là gen lặn – nó chỉ thể hiện ra khi có hai alen – màu đỏ sẽ không lan toàn thân. Màu đỏ chỉ xuất hiện ở vây. Bởi vì màu đỏ phủ lên trên màu đen ở vây và bởi vì ảnh hưởng của gen black-lace, màu đỏ sẽ có tông màu rượu vang. Bầy cá sẽ có thân màu đen với vây đỏ rực.

Lai tạo dòng thuần
Bây giờ, để hoàn tất công đoạn và tạo ra dòng cá đỏ vang thuần, chúng ta chỉ cần lai hai con cá cùng bầy với nhau. Cá bố mẹ đều mang gen dị hợp tử black-lace và đỏ toàn thân. Một phần tư bầy cá sẽ mang gen đồng hợp tử đỏ toàn thân nên cá có màu đỏ trên thân và vây.

Trong số những con cá đỏ này, một phần tư là màu đỏ bình thường bởi vì bộ gen tái lập giống như đời ông bà với hai alen hoang dã và không có gen black-lace. Ba phần tư còn lại mang tối thiểu một alen black-lace nên có màu đỏ vang thay vì màu đỏ thông thường. Một phần ba số cá đỏ vang hay một phần mười sáu bầy cá sẽ có màu vang đậm. Chúng là những con cá đồng hợp tử đối với cả gen black-lace lẫn gen đỏ toàn thân. Đây là những con đỏ vang chính hiệu. Đỏ vang là dòng cá thuần.

Bài viết cùng thể loại:


Lai tạo cá betta đỏ vang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét