Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Cá betta là gì

Cá betta hay Betta splendens là loài cá hoang dã phân bố ở vùng Đông Nam Á bao gồm các nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ngoài môi trường tự nhiên, chúng cư ngụ trong ruộng lúa, ao, đầm... nói chung là ở tất cả những vùng nước nông và tĩnh. Nhiệt độ thích hợp đối với cá betta từ 27 đến 30 độ C, nước mềm, có độ pH trung hoà hay hơi acid. Cá đực thường chọn những vị trí được che chắn tốt như trong các bụi lúa, rong hay bên dưới lá rụng… để làm tổ bọt và dẫn dụ cá cái đến đẻ trứng. Mỗi đợt sinh sản, cá cái đẻ hàng trăm trứng, trứng nở sau khoảng 1 ngày. Cá bột mới nở được cá cha chăm sóc trên tổ bọt thêm khoảng 3 ngày nữa cho đến khi chúng bắt đầu bơi tự do và bước vào đời sống tự lập.
 
Ngoài môi trường tự nhiên, cá Betta splendens (tức lia thia hoang dã) thường làm tổ trong các bụi lúa, rong hay bên dưới lá rụng
Thời gian đầu, cá bột ăn các vi sinh vật có sẵn trong nước; khi đã lớn hơn, chúng bắt đầu ăn bo bo, lăng quăng hay bất cứ sinh vật nào vừa với miệng của chúng. Những ruộng lúa có nhiều rong rêu hay các ao bèo là môi trường cung cấp thức ăn dồi dào cho cá betta nên chúng thường được phát hiện ở những nơi như vậy. Cá trưởng thành sau từ 4 đến 6 tháng tuổi và bắt đầu sinh sản. Những đợt nước lên vào mùa mưa lũ phát tán cá betta ra những vùng nước xung quanh và quá trình cứ lập đi lập lại như vậy mãi.
2. Cá betta: từ môi trường hoang dã đến với thế giới cá cảnh

Từ cá betta hoang dã đến cá đá Xiêm
Cá betta là loài có bản năng bảo vệ lãnh thổ cao độ; cá đực thường cạnh tranh với nhau nhau để giành lấy vị trí làm tổ bọt thuận lợi nhất. Kỹ năng chiến đấu của chúng được phát triển lên hàng “nghệ thuật” với các đòn thế hóc hiểm, bay bướm và đa dạng. Những người đầu tiên quan sát thấy các cuộc đấu nảy lửa như vậy là nông dân làm việc ngoài đồng. Từ hàng trăm năm nay, cá lia thia tức betta hoang dã được những người nông dân và con em của họ bắt để đá chơi với nhau vào những lúc rỗi rãi, nông nhàn hay các kỳ lễ hội truyền thống ở địa phương…

Những hoạt động đá cá như vậy diễn ra ở khắp nơi. Cụ Vương Hồng Sển từng mô tả các hoạt động đá cá lia thia vào đầu thế kỷ 20 ở tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, Thái Lan mới là nơi mà cá betta hoang dã được thuần dưỡng và tuyển chọn qua nhiều đời để phục vụ cho mục đích đá độ. Trải qua hàng trăm năm, dòng cá đá thuần dưỡng hình thành và có bề ngoài hoàn toàn khác biệt so với cá betta hoang dã. Màu ánh kim lan rộng và đồng nhất, đồng thời kích thước của đầu, thân và gốc đuôi to hơn so với cá hoang dã. Đầu thế kỷ 20, khi việc thông thương giữa các quốc gia và lục địa phát triển, cá đá thuần dưỡng hay plakat từ Thái Lan phát tán đi nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, chúng được gọi là cá đá Xiêm tức giống cá đá du nhập từ Thái Lan. Thời đó, có lẽ ít người nhận ra rằng đó là giống cá thuần dưỡng lâu đời từ loài lia thia ruộng mà họ vẫn thấy ngoài đồng lúa, nhưng nhiều người vẫn biết cách lai chúng với cá lia thia đồng rặt để cải thiện độ bền và kỹ năng chiến đấu.

Từ cá đá Xiêm đến betta cảnh hiện đại
Cá Xiêm đuôi dài là dòng đột biến từ cá đá Xiêm và được các nhà lai tạo Thái Lan duy trì với mục đích làm cảnh. Nhưng chính Âu Mỹ mới là mảnh đất thúc đẩy sự phát triển của dòng cá này khi chúng được nhập vào những nơi đó hồi đầu thế kỷ 20. Những năm 1960, nhà lai tạo người Mỹ Warren Young lai tạo ra những con betta có đuôi dài hơn so với bình thường gọi là cá đuôi voan, trong dòng cá của ông còn xuất hiện những con cá đột biến với đuôi phân làm hai thuỳ gọi là đuôi kép. Sau đó, các dòng cá betta cảnh khác như delta, superdelta, halfmoon, đuôi tưa, betta khổng lồ và plakat cảnh lần lượt xuất hiện và làm nên diện mạo đa dạng của betta cảnh hiện đại. Sự đa dạng không chỉ thể hiện ở dạng vây mà còn ở màu sắc từ xanh dương, xanh ngọc, xanh thép, cambodian, đỏ, đen, vàng, cam, trắng, đồng, nhị sắc, đa sắc cho đến hoa văn như bướm, cẩm thạch...

Cá betta, dù là dưới bất kỳ màu sắc hay dạng vây nào, cũng là một trong số những loài cá cảnh hấp dẫn và dễ nuôi nhất. Nhưng chính halfmoon mới là dòng cá gây nên một làn sóng hâm mộ cá betta trên toàn thế giới và kéo dài cho đến tận ngày nay. Quá trình hình thành dòng cá này là một huyền thoại với trên 30 năm công phu của nhiều nhà lai tạo khác nhau ở hai bờ lục địa Âu, Mỹ.

 Một con halfmoon đỏ cực đẹp (ảnh Haryanto).
 Ngày nay, cá betta cảnh hiện đại phát triển mạnh trên toàn thế giới và ở cả Thái Lan, quê hương của chúng. Chính sự hấp dẫn, đa dạng và những huyền thoại về cá betta đã tạo ra một “lực hút” khiến ngày càng có nhiều người quan tâm và nuôi dưỡng loài cá này.

3. Cá betta hoang dã: “tiếng gọi nơi hoang dã”
Như mô tả ở trên, cá betta ám chỉ loài cá Betta splendens thuần dưỡng nhưng betta còn là tên của một chi cá: chi Betta. Về mặt phân loại, chi cá Betta thuộc về nhóm labyrinth. Nhóm này gồm những loài có cơ quan hô hấp phụ nằm ở phía trên mang và ngay sau mắt gọi là mê lộ (labyrinth). Mê lộ có nhiều đường rãnh và vô số mao mạch li ti mà qua đó cá có thể lấy ô-xy trực tiếp từ không khí. Đặc điểm này giúp cá tồn tại trong môi trường nghèo ô-xy hoặc thậm chí chúng có thể sống sót trong các không gian chật hẹp như kẽ nứt hay vết chân trâu qua mùa khô hạn.

Theo cách phân loại mới, nhóm labyrinth bao gồm ba họ cá: họ cá rô Anabantidae, họ cá mùi Helostomatidae và họ cá tai tượng Osphronemidae. Các loài phân bố chủ yếu ở vùng Đông Nam Á, một ít ở Ấn Độ và châu Phi. Hiện nay, chi cá Betta được xếp vào họ cá tai tượng Osphronemidae; tuy nhiên rất nhiều tài liệu chưa cập nhật thông tin này mà vẫn liệt kê chi cá Betta vào họ cũ Belontiidae như trước đây!

Dưới đây là bảng phân loại các chi thuộc nhóm labyrinth.

Bộ cá vược Perciformes

Phân bộ Anabantoidei (tức nhóm cá có mê lộ)

Họ cá rô Anabantidae
- Chi cá rô Anabas, Ctenopoma, Sandelia.

Họ cá mùi Helostomatidae
- Chi cá mùi Helostoma.

Họ cá tai tượng Osphronemidae

Phân họ cá rô dẹp Belontiinae
- Chi cá rô dẹp Belontia.

Phân họ cá cờ Macropodinae
- Chi cá lia thia Betta, cá cờ Macropodus, cá bã trầu Trichopsis, Malpulutta, Parosphromenus, Pseudosphromenus.

Phân họ Luciocephalinae
- Chi cá sặc Trichogaster, cá sặc gấm Colisa, Ctenops, Luciocephalus, ParasphaerichthysSphaerichthys.

Phân họ cá tai tượng Osphroneminae
- Chi cá tai tượng Osphronemus.
Hình giải phẫu mê lộ của một con cá tai tượng.


Năm 2005, các tác giả Tan Heok Hui và Peter Ng ở Đại học quốc gia Singapore xuất bản một công trình quan trọng về cá betta “Cá betta hoang dã ở Singapore, Malaysia và Brunei” trong đó họ tái sắp xếp và phân nhóm chi cá Betta đồng thời xác định thêm 23 loài mới. Năm 2006 các tác giả lại phát hiện thêm 6 loài mới nữa nâng tổng số loài thuộc chi cá Betta lên đến gần 70 loài!

Xin lưu ý rằng cá Betta splendens, tức tổ tiên của cá betta cảnh hiện đại, thuộc về nhóm splendens cùng với 4 loài khác là Betta imbellis, Betta smaragdina, Betta sp. Mahachai và Betta stiktos. Một con số rất kiêm tốn so với tổng số các loài hoang dã cùng chi Betta.

Cá betta hoang dã phân hoá và thích nghi với nhiều môi trường sống khác nhau từ những đầm than bùn có tính acid ở Selangor đếm vùng nước lợ cửa sông ở Mahachai. Hành vi sinh sản cũng tiến hoá từ làm tổ bọt thành ấp miệng, điều khiến chúng có thể trú ngụ trong các vùng nước có dòng chảy nhất định. Dù khác biệt nhưng chúng vẫn luôn có một điểm chung, đó là màu sắc cực kỳ hấp dẫn.

Hiện nay, bên cạnh phong trào nuôi cá betta cảnh hiện đại, có một bộ phận những người nuôi cá cảnh yêu thích và nuôi dưỡng cá betta hoang dã. Việc thuần dưỡng chúng trong hồ cảnh thực sự là một thách thức, nhất là đối với một số loài cần điều kiện sống đặc biệt, nhưng trong tương lai khi mà các bí quyết nuôi dưỡng chúng được khám phá và phổ biến, hy vọng người nuôi cá ở khắp nơi trên thế giới sẽ có cơ hội sở hữu những loài cá xinh đẹp này
 "Vũ điệu hoang dã": cá đực loài Betta channoides phô bày bộ cánh lộng lẫy vào mùa sinh sản (ảnh Eddy).


Bài viết cùng thể loại:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét